Đấu tranh đòi lợi ích chính đáng là việc làm cần thiết, song đây cũng là dịp để các doanh nghiệp cần chủ động với những giải pháp khẳng định thương hiệu khi bước vào sân chơi hội nhập mới.
Thiệt hại từ hai phía
“Tôi thật sự lo lắng, vì thời gian qua đầu ra cho cá tra vốn đã rất khó khăn. Nghề nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giờ đã quay lại giai đoạn “làm chơi, ăn thiệt” - anh Lê Văn Trường, một người nuôi cá ven sông Hậu, Cần Thơ cho biết. Cũng như anh Trường, hàng nghìn hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL giờ đây đã trải qua nhiều thăng trầm của nghề. Họ hiểu giờ đây nghề nuôi cá tra phải thuần thục, gắn với các yếu tố kỹ thuật chặt chẽ. Song, những tác động từ quy định mới của phía USDA đang là điều khiến nhiều hộ dân ở đây lo lắng.
Ông Trần Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp thủy sản miền nam lo ngại: “Hai năm trở lại đây, sản lượng xuất khẩu cá tra của chúng tôi sang thị trường này giảm 20-40% vì sản phẩm bị áp thuế chống bán phá giá quá cao. Thời gian tới, nếu thị trường này đưa ra nhiều quy trình giám sát khắt khe hơn thì lượng hàng xuất sẽ tiếp tục giảm”. “Những quy định mới mà USDA dự kiến sẽ áp dụng từ tháng 3-2016 là không công bằng. Đây là cách Mỹ bảo hộ những người nuôi cá nheo” - ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang nhận định. Ông Bình cũng thừa nhận: người nuôi cá tra ở ĐBSCL không nhận diện và hình dung được những quy định và tác động tiêu cực do phía Mỹ đưa ra mới đây. Vì vậy, các cơ quan hữu quan phải nhanh chóng tuyên truyền để nông dân nuôi cá chủ động ứng phó với tình hình mới. Theo các chuyên gia nông nghiệp, thì quy định này vi phạm tự do thương mại của WTO, tác động xấu đến người nuôi cá và lao động trong lĩnh vực chế biến. Điều này không chỉ khiến người nuôi cá ĐBSCL bị ảnh hưởng về thu nhập mà còn tác động đến quyền lợi một bộ phận người lao động và người tiêu dùng Mỹ.
Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết: “Đây có thể là chuỗi làm thiệt hại lớn cho cả hai phía, nhưng quan trọng hơn quy định này đi ngược với xu hướng thị trường thương mại tự do của Mỹ và là rào cản đối với sản phẩm cá tra của Việt Nam trên đất Mỹ”.
An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ là ba địa phương có diện tích nuôi cá tra lớn nhất. Tuy nhiên, các doanh nghiệp chế biến, nuôi trồng lớn lại tỏ ra khá bình tĩnh khi tiếp nhận thông tin. Họ cho rằng, có chăng chỉ một số doanh nghiệp nhỏ sản xuất chưa chuyên nghiệp có thể bị ảnh hưởng. Còn những doanh nghiệp có vùng nuôi, nhà máy chế biến khép kín theo tiêu chuẩn quốc tế thì sự khác biệt với phía Mỹ không lớn. Đây là phản ứng khá tích cực của doanh nghiệp chế biến cá tra Việt Nam khi đã tích lũy những kinh nghiệm trước sóng gió thương trường!
Khó khăn mở ra cơ hội!
Dù đối diện không ít lần kiện tụng của nước ngoài thông qua các “hàng rào kỹ thuật”, nhưng con cá tra vẫn là mặt hàng xuất khẩu chiến lược của Việt Nam. Việc đấu tranh, thương thảo để hạn chế rủi ro, thiệt hại do phía Mỹ đưa ra là rất cần thiết. Song, nhiều ý kiến cho rằng, đây cũng là cơ hội để nghề nuôi và ngành chế biến cá tra, cá ba sa ĐBSCL “soi” lại chính mình. Ông Lê Chí Bình nhớ lại: Cách đây khoảng tám năm, nếu thống kê công suất từ các nhà máy là 7.400 tấn/ngày, thì sản lượng đã đạt 2 triệu tấn. Tuy nhiên, thống kê từ các địa phương thì sản lượng chỉ có 1 triệu tấn. Câu chuyện con cá tra ùn ứ, kéo theo giá tăng - giảm thất thường là đương nhiên. Thời điểm đó, một lãnh đạo UBND tỉnh An Giang đã ca thán: Vấn đề nằm ở chỗ làm sao để thống kê chính xác sản lượng nuôi?
Sản lượng dư thừa là không khó hiểu. Vì thế doanh nghiệp dễ thao túng thị trường, dẫn đến nhiều hệ lụy: cạnh tranh không lành mạnh trong xuất khẩu, bán phá giá… Có người nói, đây cũng là hệ lụy tư duy “tăng trưởng nhiệm kỳ”: khi sản xuất lúa gần đội trần tăng trưởng, các địa phương tập trung đẩy khu vực thủy sản tăng trưởng (nhằm tăng GDP), mà thiếu giải pháp kiểm soát vùng nuôi và ngành chế biến.
Trong thời gian qua, Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã có những hành động thiết thực để từng bước đưa vùng nuôi cá tra, cá ba sa đi vào tầm kiểm soát và phát triển ổn định. Cụ thể triển khai thực hiện Nghị định 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36) về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra, hiện trạng vùng nuôi nguyên liệu cá tra đã có bước tiến đáng kể khi số doanh nghiệp đăng ký hợp đồng xuất khẩu tăng khoảng 200, với 15 nghìn hồ sơ đăng ký xuất khẩu hơn 500 nghìn tấn. Ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp, người nuôi cá tra thì Hiệp hội Cá tra Việt Nam đã bước đầu dẫn dắt, gắn được “bộ định vị” cho con cá tra ĐBSCL. Mặt khác, việc đăng ký hợp đồng xuất khẩu cá tra đã giúp xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chuyên ngành tạo sự công khai, minh bạch đối với thị trường cá tra và tăng thêm lợi ích cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu lẫn hộ nuôi.
Những quy định mang yếu tố “kỹ thuật bảo hộ” như phía Mỹ vừa đưa ra không phải là “quy định cuối cùng”. Vì vậy, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra trong giai đoạn chuẩn bị “bước vào sân chơi hội nhập mới” cần chủ động sắp xếp bộ máy, đầu tư thiết bị, quy trình sản xuất khép kín bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh, nhất là phải loại bỏ tư duy “giẫm đạp” lên nhau để cạnh tranh thị trường. “Ngoài việc các cơ quan chức năng, Hiệp hội tiếp tục đấu tranh, thương thảo thì không có cách nào khác, chúng ta phải từng bước hoàn thiện chuỗi liên kết dọc, nông dân nuôi cá và doanh nghiệp chế biến phải thật sự bắt tay nhau để tạo ra chuỗi giá trị bền vững cho ngành hàng cá tra, ba sa chiếm lĩnh nhiều thị trường trên thế giới” - ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch AFA nhấn mạnh.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đến cuối năm 2015, diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL đạt 5.200 ha, tăng 2,3% so với năm 2014, nông dân đã thu hoạch hơn 3.300 ha, sản lượng vượt ngưỡng 1 triệu tấn.