Theo ông Lê Thanh Lựu, cá trắm là loài cá được gọi tên chung trên toàn thế giới bao gồm cá trắm cỏ và trắm đen. Những năm gần đây, người ta nghiên cứu ra được một loại thức ăn mới cho cá trắm là hạt đậu, giúp cho thịt của cá giòn hơn, chất lượng cá ngon hơn, khi ăn không thể sử dụng bằng đũa, phải lấy dao hoặc dĩa vì thịt của cá rắn chắc.
Hiện Việt Nam chưa có loại đậu này, trong khi Trung Quốc lại sản xuất được.
Cũng có một số trang trại ở Việt Nam đã nhập hạt đậu về, trước 3 tháng thu hoạch cá trắm thì cho cá trắm ăn loại đậu này giúp cho thịt cá trắm trở nên giòn. Do đó, giá của cá trắm giòn thường đắt hơn từ 30-50% so với giá cá trắm cỏ bình thường.
Cá trắm và các loại cá nước ngọt ở nước ta hiện được tiêu thụ chủ yếu là cá tươi sống tại chợ, người tiêu dùng ít khi ăn cá đông lạnh.
“Có thể cá trắm đông lạnh là cá trắm giòn, có giá trị kinh tế cao nên được nhập lậu về cho các nhà hàng tiêu thụ. Khi chế biến trong nhà hàng, người tiêu dùng cũng không biết được cá tươi sống hay cá chết rồi”, ông Lựu đặt nghi vấn.
Cũng theo ông Lựu, đã là mặt hàng thủy sản tươi sống, khi nhập khẩu thì bắt buộc phải qua kiểm dịch còn hàng đông lạnh phải được kiểm tra ATVSTP.
Đối với cá trắm nhập lậu, để biết chính xác có phải là cá trắm giòn và nhập vào với mục đích gì, tiêu thụ ở đâu, có đảm bảo ATVSTP hay không rất cần có sự phối hợp của các cơ quan chức năng điều tra, lấy mẫu, kiểm nghiệm để làm rõ.