Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đầm Dơi, hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 65.000ha nuôi trồng thủy sản, với hơn 2.600ha nuôi tôm công nghiệp (NTCN), chiếm khoảng hơn 45% diện tích toàn tỉnh. Quá trình thực hiện quản lý vùng NTCN, huyện gặp những khó khăn nhất định. Việc phát triển không theo quy hoạch đã kéo theo nhiều hệ lụy: Đầu tư cơ sở hạ tầng thiếu tính đồng bộ; môi trường ngày càng ô nhiễm; công tác quản lý vùng nuôi, con giống, phân bón gặp rất nhiều khó khăn. Các tổ chức, cá nhân chưa tuân thủ nguyên tắc quản lý vùng nuôi; sự liên kết quản lý cộng đồng thiếu tính chặt chẽ. Sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết “4 nhà”; việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Nhu cầu về vốn hoạt động và tái sản xuất là rất lớn nhưng người dân còn thiếu vốn, các chính sách hỗ trợ về vốn cũng còn thiếu.
Anh Nguyễn Văn Kiếm, một hộ có “thâm niên” trong nghề nuôi tôm ở xã Tân Duyệt, huyện Đầm Dơi, cho biết mặc dù có nhiều năm kinh nghiệm trong NTCN, nhưng vẫn sản xuất kém hiệu quả do đối mặt với nhiều yếu tố bất lợi trong quá trình thả nuôi. Hiện 2 đầm tôm của anh chỉ thả một vài loại cá với số lượng rất ít, chờ gia đình xoay Sở đồng vốn để tiếp tục cải tạo và thả nuôi.
Nhiều hộ dân khác cho biết, mục đích của việc chuyển đổi này nhằm thay đổi môi trường nước, đồng thời tạo nguồn thu nhập để quay lại với nghề NTCN.
Theo rà soát mới nhất của Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, hiện trên 220ha NTCN trên địa bàn đang treo đầm, nghỉ nuôi và chuyển sang nuôi đối tượng khác. So với tổng diện tích NTCN của huyện thì số diện tích tạm ngưng thả nuôi tuy không lớn, nhưng nếu không có sự vào cuộc kịp thời của các ngành chuyên môn, nhằm hỗ trợ nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn trong thời điểm hiện nay thì kế hoạch phát triển diện tích NTCN khó có thể đạt yêu cầu. Ông Nguyễn Quốc Thống, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: “Phòng sẽ phối hợp với các ngành cũng như UBND các xã rà soát lại tất cả những hộ đã chuyển sang đối tượng nuôi khác, cũng như hộ treo đầm để xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho người dân nắm được tình hình chuyển lại như vậy là không đảm bảo sản lượng thủy sản của huyện, những hộ có điều kiện thì vận động chuyển lại đối tượng chính đó là tôm sú và tôm thẻ”.
Hiện nay, ngành Nông nghiệp tỉnh đang triển khai các giải pháp đồng bộ trong công tác phòng tránh dịch bệnh, nâng cao chất lượng tôm giống, nhằm giảm đến mức thấp nhất rủi ro cho người nuôi tôm. Bên cạnh nỗ lực của ngành chuyên môn, nông dân trong tỉnh cần lựa chọn mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng phải đảm bảo tính lâu dài và bền vững. Chỉ có như thế, sản phẩm làm ra không phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là đầu ra.