Để ngành thủy sản phát triển bền vững, đòi hỏi nước ta phải có kế hoạch quốc gia và huy động được các nguồn lực, sự tham gia của tất cả các bên liên quan trong chủ động phòng, chống hiệu quả các loại dịch bệnh trên thủy sản.
Nhiều thiệt hại do dịch bệnh, thiên tai
Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 10 tháng năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại hơn 41.980ha, gấp 1,91 lần so với cùng kỳ năm 2019. Ngoài ra, còn có khoảng 7.424 lồng, bè, vèo, bể nuôi thủy sản cũng bị thiệt hại.
Đối tượng thủy sản nuôi bị thiệt hại nhiều nhất là tôm nuôi nước lợ. Tổng diện tích nuôi tôm nước lợ bị thiệt hại là hơn 39.536,6ha, chiếm 94,18% trong tổng diện tích thủy sản nuôi bị thiệt hại, cao gấp 1,93 lần so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 5,56% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước (số liệu diện tích thả nuôi cập nhật đến ngày 22-10-2020 của Tổng cục Thủy sản là 711.434ha). Cụ thể, diện tích tôm nuôi nước lợ bị thiệt hại do các loại dịch bệnh là 5.482,71ha, giảm 6% so với cùng kỳ năm 2019, với các loại bệnh phổ biến như hoại tử gan tụy cấp, bệnh đốm trắng, đỏ than, phân trắng, đường ruột... Diện tích tôm thiệt hại do biến đổi môi trường và thời tiết là 2.778,85ha, thiệt hại nhưng không xác định được nguyên nhân là 31.275,14ha.
Diện tích nuôi cá tra bị thiệt hại cũng ở mức rất cao, với tổng diện tích hơn 1.125ha, tăng 16,46 lần so với cùng kỳ năm 2019, chiếm 21,34% tổng diện tích nuôi cá tra của cả nước. Trong 10 tháng qua, dịch bệnh trên cá tra xảy ra tại 32 xã, phường thuộc 4 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Nam, Đồng Tháp, Vĩnh Long và Cần Thơ, với tổng diện tích bị thiệt hại hơn 1.125ha. Các bệnh thường gặp là: bệnh gan thận mủ, bệnh do ký sinh trùng, bệnh xuất huyết... Ngoài ra, có hơn 1.320ha diện tích nuôi nghêu, ếch, tôm càng xanh và một một số loài thủy sản nước ngọt, cũng như nhiều lồng bè nuôi cá bớp, cá mú... cũng bị thiệt hại do môi trường và các loại bệnh (trắng gan, xuất huyết, chướng hơi...) và thiệt hại chưa rõ nguyên nhân.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT, ngành nuôi trồng thủy sản thường xuyên đối mặt với thiên tai (mưa, bão, lũ lụt, hạn hán, biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn...), ô nhiễm môi trường (xả thải của nhà máy, khu công nghiệp gây ô nhiễm sông, kênh, rạch...) và dịch bệnh. Giai đoạn 2012-2015, bình quân mỗi năm có trên 47.600ha và trên 15.000 lồng, bè và vèo nuôi thủy sản bị thiệt hại, ước tính tổn thất trên 3.000 tỉ đồng/năm. Giai đoạn 2016-2020 (tính đến hết tháng 8-2020), bình quân mỗi năm có gần 45.000ha và trên 26.000 lồng, bè, vèo nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại, ước tổn thất trên 2.960 tỉ đồng/năm.
Xây dựng chiến lược ứng phó
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, cho biết: "Để có kế hoạch tổng thể cho việc phát triển tôm, cá tra và nhiều loại thủy sản khác, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh thủy sản, trong đó lập kế hoạch rất chi tiết, phù hợp với vùng miền, từng đối tượng nuôi và từng loại dịch bệnh để chúng ta có giải pháp phòng chống phù hợp, tương ứng các điều kiện có thể xảy ra như thời tiết biến đổi cực đoan, xâm nhập mặn và kể cả môi trường ô nhiễm".
Kế hoạch quốc gia phòng, chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản, giai đoạn 2021-2025, hướng đến mục tiêu chung nhằm nâng cao năng lực tổ chức kiểm soát các loại dịch bệnh nguy hiểm trên một số đối tượng thủy sản. Trong đó tập trung vào các đối tượng nuôi chủ lực như tôm, cá tra và đối tượng có giá trị cao như tôm hùm, cá hồi, cũng như đối tượng có sản lượng nuôi nhiều là cá rô phi, nghêu. Mục tiêu cụ thể cũng được xác định trong 5 năm tới là kiểm soát hiệu quả một số dịch bệnh nguy hiểm đang lưu hành, kiểm soát tỷ lệ diện tích thủy sản nuôi bị dịch bệnh ở mức thấp hơn 3% tổng diện tích thả nuôi. Giám sát chủ động một số tác nhân gây bệnh nguy hiểm trên thủy sản và xây dựng bản đồ dịch tễ lưu hành bệnh. Ngăn chặn có hiệu quả những bệnh nguy hiểm mới có nguy cơ xâm nhiễm vào Việt Nam. Nâng cao chất lượng công tác phòng, chống và cảnh báo dịch bệnh nhằm góp phần phát triển ngành thủy sản bền vững và đẩy mạnh xuất khẩu. Xây dựng thành công ít nhất 5 cơ sở, chuỗi sản xuất tôm, cá tra an toàn dịch bệnh. Tổ chức giám sát dịch bệnh đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở sản xuất tôm, cá tra và một số loài thủy sản khác…
Tại hội nghị xây dựng kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh thủy sản giai đoạn 2021-2025 phục vụ xuất khẩu, vừa diễn ra ở TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang đe dọa đến sự phát triển bền vững của ngành thủy sản. Do vậy, cần có kế hoạch quốc gia phòng chống dịch bệnh thủy sản để huy động tốt các nguồn lực và xác định hệ thống giải pháp, cách thức tổ chức thực hiện nhằm phòng chống dịch bệnh thủy sản hiệu quả.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng chỉ rõ, giống thủy sản không đảm bảo chất lượng là một trong những yếu tố làm suy giảm sức đề kháng, làm thủy sản nuôi dễ nhiễm bệnh. Tổng cục Thủy sản cần phối hợp chặt với các cơ quan chuyên môn thuộc Bộ và địa phương để kiểm soát, đảm bảo nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng giống. Đặc biệt, đối với giống tôm, vừa qua Tổng cục Thủy sản đã làm khá tốt việc kiểm soát giống tôm nhưng cần quyết liệt hơn, tần suất phải cao hơn mới đảm bảo được chất lượng giống. Vật tư đầu vào cũng phải kiểm soát chặt, đặc biệt là các chế phẩm sinh học phục vụ nuôi thủy sản, mã số vùng nuôi cũng phải kiểm soát kỹ. Mặt khác, tăng cường áp dụng các giải pháp khoa học công nghệ, công nghệ thông tin và sử dụng vắc-xin trong phòng bệnh thủy sản. Cục Thú y cần tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, cũng như tiếp tục xin ý kiến các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và địa phương để hoàn thiện Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh thủy sản giai đoạn 2021-2025. Đảm bảo có một kế hoạch xác thực tiễn, có hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công Luật Thủy sản 2017 và Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.