Theo báo cáo mới nhất của Ban chỉ đạo, từ khi triển khai đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đợt 1 là 9 tàu, trong đó có 8 tàu đóng mới (5 tàu dịch vụ hậu cần, 3 tàu khai thác, 1 tàu nâng cấp dịch vụ hậu cần). Đợt 2 là 4 tàu đóng mới dịch vụ hậu cần. Đến nay, chỉ có 1 tàu nâng cấp đã được ngân hàng giải ngân với số tiền 2,7 tỷ đồng, 4 chủ tàu xin rút khỏi danh sách được duyệt, 2 chủ tàu xin chuyển hình thức đầu tư từ tàu vỏ thép sang vỏ gỗ, từ dịch vụ hậu cần vỏ gỗ sang nâng cấp làm nghề dịch vụ hậu cần. Như vậy, toàn tỉnh hiện còn lại 7 tàu đóng mới, 1 tàu nâng cấp từ đóng mới chuyển sang. Trong đó, 2 tàu đóng mới dịch vụ hậu cần vỏ thép, 5 tàu đóng mới vỏ gỗ. Đặc biệt, trong đó có 3 tàu đóng mới được ngân hàng thương mại đồng ý với khái toán và đơn vị thiết kế chính thức; 1 tàu đang được ngân hàng thẩm định; các tàu còn lại đang thiết kế mẫu và khái toán. Chính sách hỗ trợ bảo hiểm, chi phí vận chuyển hàng hóa cho tàu dịch vụ hậu cần cũng được triển khai đồng loạt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Nghị định gặp rất nhiều khó khăn vì thiết kế mẫu 21 tàu cá vỏ thép do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố không phù hợp với thực tế đánh bắt tại Bến Tre nên các chủ tàu phải thuê thiết kế lại, mất nhiều thời gian, chi phí tăng cao. Vì vậy, nhiều chủ tàu đã rút khỏi danh sách hoặc xin chuyển hình thức đầu tư. Chỉ tiêu của Trung ương giao Bến Tre 45 tàu, trong đó có 15 tàu dịch vụ hậu cần.
Sau khi nghe báo cáo, ông Nguyễn Hữu Lập - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận những cố gắng của các thành viên Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc trong triển khai Nghị định số 67 đến ngư dân. Tỉnh đã chủ động phối hợp triển khai nhưng thực tế còn vướng nhiều khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân. Thực tế ngư dân Bến Tre phần lớn đều quen với nghề cào nên khó tiếp cận Nghị định số 67. Nhiều ngư dân hiện nay đầu tư đóng tàu nghề cào rất lớn, vay ngân hàng thương mại khá nhiều. Công suất tàu ngày càng tăng, trên 1.000CV khá nhiều để vươn xa bám biển. Việc mới chỉ giải ngân 1 tàu cải hoán là rất chậm, còn lại chỉ ở trên hồ sơ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo cần cố gắng để đến cuối năm phải có ít nhất 3 tàu mẫu hoàn chỉnh để ngư dân an tâm đầu tư. Ngoài ra, cần tiếp tục tổ chức, triển khai chủ trương này đến tận ngư dân, trong đó có thể tập trung khuyến khích cải hoán. Tỉnh cũng sẽ tổ chức cuộc họp để đối thoại với ngư dân, lắng nghe ý kiến và thông tin thêm về nội dung của Nghị định số 67 của Chính phủ trong tháng 6-2015.