Sản xuất tôm còn nhiều hạn chế
Ông Võ Thành Đô, phó cục trưởng Cục chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối cho biết, tuy các sản phẩm tôm chế biến sâu, làm sẵn có giá trị gia tăng tương đối cao, chiếm khoảng 65% cơ cấu sản phẩm tôm nhưng chi phí chế biến cao tương ứng nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao. Việc thay đổi cơ cấu mặt hàng để sản xuất các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao còn nhiều khó khăn do thiếu vốn, công nghệ, lao động, thông tin và khách hàng.
Tỉnh Cà Mau hiện có 32 công ty và gần 38 xí nghiệp trực thuộc với tổng công suất thiết kế trên 190.000 tấn/năm, các trang thiết bị, công nghệ sản xuất, chế biến cũng được đánh giá là hiện đại và ngang tầm với các nước trong khu vực, nhưng chỉ có trên 40% sản phẩm thủy sản xuất khẩu đạt giá trị gia tăng, còn lại chủ yếu xuất khẩu hàng thô, hàng sơ chế. Ông Lý Văn Thuận, tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Cà Mau (CASEP) nhận định, hầu hết các nhà máy, công ty trên địa bàn đều bảo đảm các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm và được các tổ chức quốc tế chứng nhận. Tuy nhiên, giá trị gia tăng trong các mặt hàng tôm trên địa bàn vẫn chưa cao.
Trong hoạt động nuôi tôm, nguy cơ ô nhiễm môi trường, dư lượng hóa chất, kháng sinh chưa được kiểm soát tốt khiến cho người tiêu dùng lo lắng về chất lượng sản phẩm nên họ đòi hỏi phải biết nguồn gốc thực phẩm mình sẽ sử dụng được sản xuất từ đâu, qua các quy trình công nghệ thế nào. Thực tế là hệ thống theo dõi, giám sát và có khả năng truy xuất nguồn gốc quá trình nuôi, chế biến đến tiêu thụ tôm tại Việt Nam còn rất hạn chế. Mặt khác, đa số sản phẩm tôm Việt Nam không truy xuất được nguồn gốc dẫn đến việc các nước phải kiểm tra chất lượng hàng Việt Nam mang tính xác suất và một khi lô tôm nào đó có vấn đề về chất lượng thì hàng loạt sản phẩm bị kiểm định xác suất cũng phải nhận kết quả tương tự.
Cần làm gì để chinh phục thị trường?
Ðể sản phẩm tôm Việt Nam chinh phục các thị trường khó tính và giá trị cao, ngành nông nghiệp đã xây dựng lộ trình phát triển diện tích tôm nuôi công nghiệp, tôm quảng canh cải tiến, tôm sinh thái... Quan trọng hơn, cần đẩy mạnh áp dụng các quy trình nuôi và đạt được chứng nhận nuôi thủy sản an toàn như: VietGAP, GlobalGAP, ASC, BMP... Chuyển đổi cơ cấu các sản phẩm thủy sản chế biến xuất khẩu theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm giá trị gia tăng. Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ ao nuôi đến bàn ăn, truy xuất nguồn gốc trong nuôi trồng thủy sản, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.
Ông Lê Văn Sử, giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết, trong thời gian tới, Cà Mau sẽ chuyển đổi cơ cấu các sản phẩm thủy sản chế biến xuất khẩu theo hướng nâng tỷ trọng các sản phẩm tôm giá trị gia tăng lên 70%. Ðồng thời, đầu tư áp dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến để nâng cao năng suất lao động và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo ISO, HACCP, GMP, SSOP... tại các nhà máy chế biến thủy sản. Mặt khác, tỉnh sẽ tiến hành xây dựng thương hiệu “Tôm Cà Mau” và từng bước phân phối trực tiếp sản phẩm tôm đến các siêu thị tại các thị trường quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020, cơ cấu thị trường EU khoảng 17%, Nhật Bản 20%, Mỹ 20% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản.
Theo ông Chu Văn An, phó tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Minh Phú, trong thời đại cạnh tranh khốc liệt, việc doanh nghiệp phải liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến dây chuyền, trang thiết bị hiện đại, công nghệ cao là yêu cầu cần thiết. Trong đó, việc sản xuất những sản phẩm sạch, không nhiễm hóa chất, kháng sinh theo hướng ứng dụng công nghệ sinh học được xem là bước đột phá để đưa giá trị sản phẩm tôm tăng cao và xâm nhập sâu vào những thị trường lớn.
Ngoài ra, theo VASEP, giảm giá thành nuôi tôm là tiếp cận quan trọng cho phát triển ổn định và bền vững, là yếu tố chính để tạo dựng và duy trì năng lực cạnh tranh cho ngành tôm. Vì vậy, việc xem xét và cải thiện chất lượng con giống, giá thức ăn nuôi tôm, tâm lý và nhận thức của người nuôi, quản lý hệ thống phân phối thuốc và các loại chế phẩm để nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành tôm Việt Nam là thực sự cần thiết khi mà các nước sản xuất khác đang có lợi thế về nguồn nguyên liệu thức ăn, con giống.