Sau 2 năm triển khai chương trình mô hình nuôi tôm theo công nghệ biofloc, sử dụng bạc lót đáy, ông Nguyễn Văn Sánh – người đã tham gia thực hiện mô hình phối hợp cùng Công ty Trúc Anh trong việc thực hiện công nghệ biofloc cho biết: Với các điều kiện tự nhiên của xã Tân Chánh là nền đất bùn và độ mặn không phù hợp việc áp dụng công nghệ biofloc, mặc dù trang bị đầy đủ các trang thiết bị nhưng khoảng 2 tháng nuôi thì lượng khí độc sinh ra rất nhiều, không thể xử lý kịp và dẫn đến tôm bị bệnh chết. Nhiều hộ gia đình, đặc biệt là thành viên của Hợp tác xã và Tổ hợp tác đã từng áp dụng công nghệ biofloc và đến nay cũng phải cắt bỏ lót bạc đáy, vì mô hình không mang lại hiệu quả.
Ngành chức năng huyện Cần Đước đã khẳng định: Do điều kiện tự nhiên của vùng đất Tân Chánh là vùng đất bùn, không thoát hơi được và độ mặn thấp, do đó rất dễ phát sinh khí độc. Đây là điều mà các ngành chuyên môn cần phải tập trung tháo gỡ, tăng cường tổ chức hội thảo để rút kinh nghiệm cùng bà con nông dân, từ đó tìm ra một giải pháp kỹ thuật tốt hơn, giảm chi phí đầu tư và mang lại hiệu quả, để người nông dân Cần Đước mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, hướng đến nền nông nghiệp chất lượng cao và bền vững.