Nguyên nhân chính do số lượng tàu cá gia tăng nhanh trong 10 năm qua, nhưng phần lớn là tàu công suất nhỏ, thiếu các điều kiện thiết bị bảo quản tốt sản phẩm sau khai thác. Việc bảo quản sản phẩm đánh bắt chủ yếu sử dụng nước đá cây xay nhuyễn chỉ cho phép bảo quản tối đa 10 ngày, nhưng một chuyến đi biển của ngư dân từ 20 - 25 ngày mới vào bờ nên chất lượng nhiều loài tôm, cá, mực giảm do không đủ độ lạnh tối thiểu cần thiết. Việc phân loại sản phẩm ngay trên tàu cá chỉ thực hiện đối với các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao, làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu ở những tàu công suất lớn. Quy trình khai thác đánh bắt thủy hải sản thường không ổn định, tàu cá trúng đàn vào bờ sớm, rút ngắn thời gian bám ngư trường và ngược lại không trúng đàn thì kéo dài thời gian đi biển. Đó còn chưa kể khi giá nhiên liệu, chi phí sản xuất tăng liên tục trong thời gian qua buộc các chủ phương tiện phải kéo dài chuyến biển để đảm bảo sản lượng nên ảnh hưởng bất lợi đến chất lượng sản phẩm sau khai thác.
Hiện nay, cả nước có khoảng 130.000 tàu cá các loại, nhưng tàu lắp máy công suất từ 90 CV trở lên chiếm chưa đến 20%, tập trung vào 5 nhóm nghề, gồm: lưới kéo đáy, lưới rê, câu, vây và một số nghề khác.
Để giảm tổn thất sau thu hoạch đối với khai thác thủy hải sản trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản phối hợp với các tỉnh, thành phố ven biển trên cả nước xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật về bảo quản, sơ chế sản phẩm thủy sản trên các tàu cá. Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao các quy trình, quy phạm kỹ thuật về sơ chế, bảo quản sản phẩm thủy sản trên biển, quy trình khai thác thủy sản.
Tổ chức lại sản xuất trên biển được xem là một trong những giải pháp quan trọng, hữu hiệu góp phần giảm tổn thất sau khai thác thủy hải sản của ngư dân. Tổng cục Thủy sản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tổ chức lại sản xuất trên các vùng biển như: tăng cường chất lượng hoạt động dự báo ngư trường, khai thác thủy hải sản theo mùa vụ, củng cố công tác hậu cần dịch vụ phục vụ khai thác đánh bắt, xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác đánh bắt thủy hải sản. Các địa phương tiếp tục đầu tư, nhân rộng các mô hình “tổ đoàn kết trên biển” ngày càng phát triển về số lượng và hoạt động có chiều sâu; triển khai thực hiện hoạt động hỗ trợ nhau trong vận chuyển sản phẩm vào đất liền, đồng thời cung cấp nhiên liệu, nhu yếu phẩm đảm bảo thời gian bám biển của ngư dân tại các vùng biển xa bờ, rút ngắn thời gian lưu giữ sản phẩm trên tàu. Các địa phương phát triển đội tàu công ích gắn với khuyến khích các doanh nghiệp tham gia hoạt động này trong việc thu gom, vận chuyển sản phẩm khai thác biển kết hợp cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá; xây dựng các khu dịch vụ hậu cần nghề cá tại các đảo tiền tiêu, đảo xa bờ có hệ thống kho lạnh đảm bảo lưu giữ sản phẩm khi chưa bán hoặc chuyển đi nơi khác tiêu thụ./.