Nuôi cua biển tại nhà của ông Võ Văn Nhắc ở xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Trong đó, thành công hơn cả là việc chuyển đổi từ đất nuôi tôm sú kém hiệu quả kinh tế sang mô hình nuôi cua biển từ con giống nhân tạo. Bởi cua biển có thời gian sinh trưởng và phát triển nhanh, có hiệu quả kinh tế cao nên được khá nhiều bà con nông dân quan tâm. Có thể kể ra đây như hộ ông Võ Văn Nhắc, ông Lê Bửu Lộc ở ấp Lý Hoà Hiệp, xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ với mô hình nuôi cua biển từ con giống nhân tạo.
Trước đây, gia đình ông Nhắc gồm 5 nhân khẩu chủ yếu sống nhờ vào nghề nuôi tôm sú trên diện tích đất khoảng 0,8ha. Mấy năm gần đây do dịch bệnh nhiều, thời tiết không thuận lợi và môi trường xấu dẫn đến hiệu quả rất thấp, có khi thua lỗ, do đó không đủ trang trải cuộc sống cho 5 người.
Nhờ có chủ trương đúng đắn về chuyển đổi đất nông nghiệp trồng lúa không hiệu quả sang cây trồng, vật nuôi có hiệu quả và nhờ vào sự nỗ lực vươn lên của gia đình cùng với sự hỗ trợ về nhiều mặt như vốn, kỹ thuật canh tác, … của các ban, ngành địa phương, nên hiệu quả sản xuất trên 0,8ha diện tích đất của gia đình ông tăng lên rõ rệt.
Chỉ riêng với 8.000m2 ao, mỗi vụ thả 11.200 con giống cua biển, sau 4 tháng ông thu được sản lượng 924kg. Với giá bán từ 90.000 – 110.000 đồng/kg tùy thời điểm, giá trị sản xuất mang lại gần 90 triệu đồng, sau khi trừ chi phí khoảng 42 triệu đồng, gia đình ông còn lãi gần 48 triệu đồng. Như vậy, mỗi ha nuôi cua, trong 1 năm có thể tạo ra giá trị gần 200 triệu đồng, trong đó mức lãi khoảng 50% tổng doanh thu, tức gần 100 triệu đồng.
Xuất phát từ việc chuyển đổi có hiệu quả của gia đình ông và nhiều bà con xung quanh, năm nay, mô hình nuôi cua biển bằng con giống nhân tạo đã được nhân rộng lên khoảng 30ha trên toàn huyện.