Đa dạng mô hình nuôi
Bên cạnh đối tượng nuôi chủ lực là con cá tra, hiện nông dân tại nhiều quận, huyện của thành phố đã nuôi được nhiều đối tượng thủy sản khác giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Lươn, ếch, cá rô, cá lóc, cá trê, cá chạch, thát lát, tai tượng, điêu hồng… Thủy sản được nông dân nuôi theo nhiều hình thức đa dạng như: Nuôi trong hầm, ao, mương, nuôi vèo đặt trong ao, vèo trên sông, nuôi trên ruộng, nuôi trong bồn nylon, bồn xây gạch, nuôi trong lồng bè đặt trên sông. Để nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản, nông dân không chỉ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật và quy trình tiên tiến mà còn sản xuất con giống để có nguồn giống chất lượng cung ứng cho thị trường.
Đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ đạt 5.708ha, đạt 68% so với kế hoạch năm (8.400ha). Trong đó, diện tích nuôi cá tra 646ha; các loại cá khác nuôi ao mương đạt 2.143ha, cá ruộng 2.000ha, cá nuôi lồng bè khoảng 346 cái… Hiện diện tích đã thu hoạch là 2.256ha, với sản lượng đạt 119.252 tấn, bằng 93% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 60% so với kế hoạch năm (198.000 tấn).
Theo Chi cục Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, qua 8 tháng đầu năm 2019, thành phố có 759ha sản xuất cá giống, gồm: 524ha ương cá tra giống (hiện đã thu hoạch 409ha với sản lượng 4.042 tấn) và 235ha ương các loại cá và thủy sản khác, với diện tích đã thu hoạch 182ha, sản lượng 175 tấn. Việc áp dụng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thực hành nông nghiệp tốt trong nuôi thủy sản cũng tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, thành phố có hơn 236ha nuôi thủy sản đạt theo các tiêu chuẩn như: VietGAP, BMP, ASC, BAP…
Phát huy lợi thế
Gần đây, việc sản xuất con giống và nuôi thương phẩm loại thủy sản chủ lực tại phố là con cá tra cũng gặp nhiều khó khăn do giá cá tra nguyên liệu giảm thấp, kéo theo giá cá tra giống giảm hơn 50% so với năm 2018. Hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tăng nhẹ khoảng 1.000 đồng/kg so với tháng trước, lên mức 21.000-21.500 đồng/kg, nhưng nhiều người nuôi cá vẫn đang bị lỗ trên dưới 3.000 đồng/kg cá thương phẩm. Còn nuôi cá trên ruộng, năm nay lũ thấp nên người nuôi cá gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều nông dân cũng ngại nuôi thủy sản trong lồng bè và trong ao, vèo bằng các loại thức ăn tự chế và cua ốc, cá bổi đánh bắt được trong tự nhiên vào mùa lũ để ít tốn chi phí (vì năm nay lũ thấp).
Dù nhiều khó khăn, nhưng nông dân Cần Thơ vẫn có điều kiện thuận lợi về sản xuất và đầu ra để phát triển nuôi nhiều đối tượng thủy sản giúp mang lại thu nhập cao cho nông dân. Đáng chú ý là các đối tượng nuôi có khả năng phát triển mạnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu như: Lươn, cá thát lát, ếch… Ông La Hữu Lộc, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thuận Thiên, chuyên sản xuất và cung cấp lươn giống, cá thát lát cườm và cá kiểng ở TP Cần Thơ, cho biết: "Nông dân nuôi lươn hiện có thể đạt lợi nhuận trên 120.000 đồng/kg lươn thương phẩm sau 8-10 tháng do giá lươn đang ở mức rất cao từ 200.000-220.000 đồng/kg nhờ được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Gần đây, nhờ ứng dụng các phương pháp nuôi tiên tiến và cho lươn ăn thức ăn công nghiệp và nhân giống được mà nhiều người dân có thể mở rộng quy mô nuôi lươn. Hiện nhiều cơ sở sản xuất lươn giống tại thành phố đang tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất để tới đây có thể đáp ứng đủ nhu cầu lươn giống chất lượng cho thị trường. HTX Thuận Thiên có 7 thành viên, với diện tích canh tác 2ha, mỗi năm cung ứng ra thị trường được khoảng 1 triệu con lươn giống và hiện HTX được ngành chức năng hỗ trợ để sản xuất con giống đạt chuẩn VietGAP".
Ông Nguyễn Văn Chiến ngụ xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ, cho biết: "Gần đây nhiều hộ dân ở Cần Thơ cũng mạnh dạn phát triển các mô hình nuôi cá thát lát và nuôi ếch kết hợp với một số loại cá khác nhờ giá cả đầu ra tốt. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đã mạnh dạn liên kết với nông dân để nuôi cá thát lát và bao tiêu sản phẩm cho bà con".
Theo ông Trần Thanh Hải, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản TP Cần Thơ, Cần Thơ còn có nhiều tiềm năng để phát triển nuôi các loại thủy sản nước ngọt như: Thát lát, lươn đồng, chạch lấu, rô đồng… Năm nay, diện tích nuôi nhiều loại thủy sản trong số kể trên cũng đã tăng hơn gấp đôi so với các năm trước do có đầu ra sản phẩm tốt, nhất là trong bối cảnh dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp. Hiện Chi cục Thủy sản tiếp tục tích cực phối hợp các địa phương và đơn vị có liên quan để tăng cường triển khai các hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nhằm giúp người dân xây dựng và phát triển được các mô hình nuôi thủy sản hiệu quả, nhất là đối với các đối tượng nuôi mới. Thông qua Chương trình Khuyến ngư, Chi cục Thủy sản cũng đã hỗ trợ nông dân thực hiện khoảng 20 mô hình trình diễn/năm, nuôi thủy sản theo các phương pháp khác nhau để nông dân lựa chọn được phương pháp hiệu quả và phù hợp điều kiện sản xuất của mình.
Trước tình hình lũ thấp gây khó khăn cho phát triển mô hình nuôi cá ruộng, nhiều quận, huyện tại thành phố đã chủ động vận động, hướng dẫn nông dân phát triển các mô hình nuôi thủy sản trong mương vườn cây ăn trái và nuôi vèo, ao, bồn phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương. Qua đó, giúp đa dạng và nâng cao thêm nguồn thu nhập cho nông dân, cũng như góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch nuôi thủy sản đã được đề ra.
Hiện nay, nhiều hộ dân nuôi cá tra cũng nỗ lực duy trì sản xuất và hy vọng giá cả đầu ra con cá tra sớm có cải thiện trong những tháng cuối năm do nhu cầu hàng xuất khẩu tăng. Để giảm lỗ, nhiều hộ nuôi cá tra thực hiện giải pháp cho cá ăn cầm chừng để chậm thu hoạch nhằm chờ giá tăng. Riêng đối với những ao đã thu hoạch, người dân chậm thả nuôi mới hoặc nuôi với mật độ thấp so với lúc giá cá tra ở mức cao.