Cảnh báo khẩn hạn - mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long

Nhiều nguyên nhân khiến cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải sớm đối mặt với nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn sớm hơn chu kỳ. Các địa phương cần tính toán phương án hợp lý đối phó với thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp và khắc nghiệt hơn.

Khô hạn và xâm nhập mặn tàn phá Kiên Giang năm 2016. (Nguồn ảnh: TTXVN)

Hạn, mặn sẽ xâm nhập sớm

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định: Năm 2019 lũ nhỏ, mùa mưa lại kết thúc sớm, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ sớm đe dọa vùng ĐBSCL. Dự báo vào tháng 12/2019, ranh mặn 4g/ lít lấn sâu vào nội đồng từ 20 đến 30 km; tháng 1 và tháng 2/2020, ranh mặn 4 g/ lít sẽ tiếp tục ăn sâu vào từ 40 đến 67 km (cao hơn 10 đến 15 km so với trung bình nhiều năm). Phạm vi ảnh hưởng mở rộng này đe dọa khả năng lấy nước của các công trình thủy lợi, nhất là trong các kỳ triều cường.

Trước những diễn biến thất thường từ thời tiết và mùa lũ năm nay, ông Kỷ Quang Vinh - nguyên Chánh văn phòng Công tác biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ - cảnh báo: Một mùa khô khắc nghiệt nhất được dự báo đầu năm 2020 đã từ từ xuất hiện. Trên các trạm đo, mực nước thượng nguồn lưu vực sông Mekong ở Thái Lan và Campuchia hiện thấp hơn cùng kỳ năm 2015 khá nhiều. Riêng các trạm ở Lào gần đây không cung cấp số liệu mực nước. Chỉ có nhiều trận mưa trái mùa mới mong giúp khu vực ĐBSCL giảm bớt cơn khát sẽ diễn ra vào đầu năm 2020. Người dân cần theo dõi và cập nhật thời tiết để có hướng xử lý cho phù hợp. Cần dự trữ nước cho sinh hoạt cho sản xuất ít nhất trong vòng 3 tháng, là tháng 2, 3, 4/2020, nhất là khu vực ven biển.

Các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Hậu Giang, cách biển từ 20 đến 30 km, có khả năng chịu ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn đến lúa Đông xuân 2019–2020.

Thời gian qua, Bến Tre là địa phương hứng chịu đầu tiên và nặng nề nhất. Nhiều người vẫn còn nhớ như in trận hạn hán năm 2016, cả tỉnh Bến Tre hứng chịu cơn khát lịch sử. “Mới đây nghe dự báo hạn hán sẽ tăng cao hơn năm 2016 mà thấy lo lắng, đến nay nghĩ lại cũng thấy ngao ngán. Hiện bà con trong xã đang tính các phương án trữ nước, cũng mong mưa để có nước trữ sẵn đối phó với trận hạn sắp tới” - ông Nguyễn Văn Hồng (ngụ ở ấp 5, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri) bộc bạch.

Hạn, mặn khốc liệt đe doạ vựa lúa

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia về sinh thái khu vực Mekong - cảnh báo: “Sau Tết, vào đỉnh điểm mùa khô, khoảng cuối tháng 3/2020 khu vực ĐBSCL có thể sẽ đối mặt với đợt hạn mặn gay gắt hơn mùa khô 2016. Hiện nay, nước sông Mekong phía thượng nguồn đang thấp chưa từng thấy trong lịch sử. Lúc này tại tỉnh Nakhon Phanom (Thái Lan) các giồng cát ở đáy sông đã bày lên”. Ông Thiện lý giải: “Nguyên nhân chính của mực nước thấp kỷ lục năm nay là do hiện tượng El Nino gây mưa ít từ đầu năm trên lưu vực Mekong. Còn các đập thủy điện, về nguyên tắc thì không lấy mất nước và trong tình huống bình thường thì ít ảnh hưởng đến lượng nước, nhưng gặp những năm khô hạn, thiếu nước thì các đập sẽ tích nước cho đủ độ sâu (khoảng 22 m) để turbine đặt bên dưới có thể vận hành phát điện được. Đập trên tích nước thì đập thứ hai bên dưới phải chờ, đập thứ hai tích thì đập thứ ba phải chờ, cứ như thế, nước đi qua chuỗi đập rất lâu. Như vậy, gặp năm khô hạn, thủy điện sẽ làm khô hạn khốc liệt hơn. Trong tình hình đó, đập Xayaburi - đập đầu tiên trong chuỗi 11 đập trên dòng chính Mekong ở hạ lưu vực - đã chính thức vận hành ngày 29/10”...

Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Kiên Giang thông báo: Khả năng xâm nhập mặn trong mùa khô năm nay sẽ xuất hiện sớm và sâu hơn cùng kỳ năm ngoái, dự báo xấp xỉ đợt hạn mặn lịch sử năm 2015-2016. Riêng tại Kiên Giang, ranh mặn 4 g/ lít trên sông Cái Lớn có khả năng xâm nhập sâu khoảng 40 km trong tháng 1/2020 và sau đó đạt mức cao nhất vào những ngày cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5. Những vùng đất sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bao gồm các khu vực ven biển TP. Rạch Giá cho đến TP. Hà Tiên, vùng ven sông Cái Lớn, Cái Bé và các huyện thuộc vùng U Minh Thượng. Hạn, mặn sẽ len lỏi vào vùng Tứ giác Long Xuyên uy hiếp diện tích đất trồng lúa. Đây là điều cực hiếm trong mùa mưa lũ ở vùng này trong gần 20 năm qua.

Hạn, mặn ở ĐBSCL sẽ ngày càng khốc liệt, nông dân trồng lúa Đông xuân và Hè thu phải gánh chi phí sản xuất nhiều hơn, nguy cơ rủi ro do thiên tai càng tăng lên. Vùng ĐBSCL có khoảng 1,7 triệu ha đất lúa, hàng năm gieo trồng khoảng 4,2 triệu ha lúa (3 vụ/ năm), trong đó, vụ lúa Đông xuân với khoảng 1,6 triệu ha được xem là vụ lúa chính trong vùng.

Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long khẩn trương phòng chống


Cảnh khô hạn tại xã Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng năm 2016. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Về giải pháp, Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết: “Chúng ta cũng cần phân biệt vài thứ. Thứ nhất, đợt “mùa nước nổi” về rất muộn và rất thấp hồi tháng 9 ở ĐBSCL chỉ là do lượng mưa cục bộ ở nam Lào, nước đã có về tràn đồng ở ĐBSCL nhưng thấp và bị “hụt hơi” do không được hỗ trợ bởi lượng mưa ở phía bắc Lào. Thứ hai, việc các thành phố bị ngập vào cuối tháng 9 là do con nước rong 30/8 âm lịch đụng với nước sông dội lại gây ngập. Chuyện ngập đó không phải “mùa nước nổi”, do đó rủi ro hạn mặn vẫn còn nguyên vì hai chuyện này khác nhau. Tháng 3 năm tới cần chú trọng nhất chuyện nước sinh hoạt cho bà con ven biển. Còn về sản xuất, tốt nhất là nên né trong tình huống cực đoan như thế này, nhất là vùng ven biển và vùng Bán đảo Cà Mau, xa sông Hậu vì ít có giải pháp. Một khi đã thiếu nước ngọt trầm trọng thì dù có ngăn mặn cũng không tác dụng. Về lâu dài, gặp những năm cực đoan cũng nên tránh. Lưu ý những năm cực đoan không phải là tình hình chung của tất cả các năm. Ngoài ra không nên trồng lúa vào mùa khô ở vùng ven biển hoặc vùng ngọt hóa. Đối với các vùng lũ ở Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười, cần giảm lúa vụ ba để có không gian hấp lu nước lũ vào để tới mùa khô ĐBSCL còn nước để cân bằng mặn - ngọt ven biển, đồng thời cũng để cho đất và người có thời gian nghỉ ngơi trong năm”.

Ngoài khẩn trương nạo vét sông rạch, tỉnh Hậu Giang còn chủ động cho vụ Đông xuân. Ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang -  thông tin: “Chúng tôi đã triển khai quyết liệt làm thủy lợi nội đồng, tuyên truyền để nông dân chuẩn bị vệ sinh đồng ruộng. Khi thuận lợi bơm rút nước, xuống giống nhanh vụ lúa Đông xuân. Hiện nay Cục Trồng trọt đã yêu cầu các sở NN&PTNT vùng ĐBSCL sẵn sàng phương án xuống giống sớm vụ lúa Đông xuân để né hạn, mặn trong mùa khô. Đây là điều hợp lý, vì lũ nhỏ và muộn sẽ tạo điều kiện cho nước mặn xâm nhập sớm. Hiện nay tỉnh đang khẩn trương triển khai xây dựng hồ chứa nước ngọt tại huyện Vị Thủy với kinh phí khoảng 165 tỉ đồng, dự kiến sẽ hoàn thành trong mùa khô 2019-2020”.

Bến Tre cũng vừa khánh thành đưa vào sử dụng dự án hồ chứa nước ngọt huyện Ba Tri với 60 ha, chứa gần 1 triệu khối nước ngọt thô, phục vụ sinh hoạt cho hơn 200.000 người, hàng trăm cơ sở sản xuất và hơn 150 trụ sở văn phòng, trường học… tại 24 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ba Tri và các vùng phụ cận của tỉnh sử dụng trong mùa khô.

Ông Nguyễn Văn Tâm - Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang - cho biết: “Giải pháp mà Kiên Giang đưa ra là vận hành hệ thống cống tại TP. Rạch Giá, ven sông Cái Lớn hoặc đắp đập ngăn mặn bằng cừ Larsen tại khu vực kênh Nhánh để ngăn mặn và giữ ngọt. Các địa phương tập trung rà soát lại những nơi có nguy cơ bị xâm nhập mặn để chủ động ứng phó. Ngoài ra, thực hiện nạo vét kênh, mương để tăng cường khả năng trữ nước ngọt sử dụng trong suốt mùa khô”.

Ông Nguyễn Ngọc Hè - Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ - báo tin: “Cần Thơ đang khẩn trương triển khai quy hoạch xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi tại khu vực sản xuất nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trọng tâm là thực hiện và hoàn thiện hệ thống thủy lợi để bảo vệ an toàn 73.000 ha đất nông nghiệp, bảo đảm sản xuất ổn định và giảm thiểu thiệt hại do lũ. Bên cạnh đó, tăng cường trữ nước trong mùa khô, phòng chống hạn, mặn”.

PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu – nhận định: Việc kiệt nước chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến canh tác nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt, lượng thủy sản giảm sút, phù sa ít đi và các tác động lớn đến hệ sinh thái khu vực. Về ngắn hạn, như tình hình hiện nay, cần giảm các diện tích canh tác lúa ở những vùng gò cao, các vùng ven biển, chuyển một phần diện tích trồng lúa sang những cây trồng cạn ít tiêu thụ nước hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản; khuyến khích và hỗ trợ nông dân tìm mọi cách trữ nước ở các vùng trũng như lung đìa, ao hồ, các kinh mương… và các lu chứa, bể chứa nước mưa. Người dân cần sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả. Chính quyền nên xem khô hạn là dạng thiên tai cần trợ giúp. Có thể đề xuất ngân hàng cho nông dân vay mua vật dụng trữ nước với lãi suất thấp hoặc không lãi, ngoài ra vận động các tổ chức, nhà hảo tâm, doanh nghiệp tham gia cung cấp phương tiện trữ nước cho cộng đồng”. Còn về lâu dài, ông Tuấn đề xuất: “Cần vận dụng các biện pháp ngoại giao, luật pháp và kinh tế để yêu cầu các quốc gia thượng nguồn phải xem Mekong là dòng sông chung cho khu vực. Các nước phải có trách nhiệm chia sẻ nguồn tài nguyên chung này. Ngược lại, các nước hạ nguồn có thể tạo những điều kiện phát triển kinh tế giao thương cho các nước nói trên”…

Đại đoàn kết
Đăng ngày 25/11/2019
Quốc Trung
Môi trường

Việt Nam hướng đến ngăn ngừa rác thải ngư cụ

Chính phủ Đức đã tài trợ cho trường Đại học Ostfalia (Đức) phối hợp với các trường đại học và viện nghiên cứu của Việt Nam thực hiện Dự án REVFIN, đây là dự án nghiên cứu và phát triển mới nhằm ngăn chặn rác thải ngư cụ ở các vùng ven bờ biển Việt Nam.

Môi trường biển
• 10:34 09/12/2024

Ngành thủy sản Việt Nam trước những quy định mới của EU năm 2025

Liên minh châu Âu (EU) luôn là thị trường lớn và quan trọng với những sản phẩm thủy sản chủ lực như tôm, cá tra và cá ngừ từ Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2025, EU sẽ áp dụng những quy định mới về bảo vệ môi trường đối với ngành thủy sản, yêu cầu các nhà xuất khẩu phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe hơn về chất lượng và sự bền vững. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Môi trường ao nuôi
• 11:26 02/12/2024

Sử dụng men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản

Men vi sinh (probiotic) là các vi sinh vật có lợi, khi được bổ sung vào môi trường nuôi trồng thủy sản, giúp cải thiện chất lượng nước, nâng cao sức khỏe của động vật thủy sản và hạn chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

Ao nuôi tôm
• 10:55 20/11/2024

Tổng hợp các phương pháp kiểm soát nguồn gốc chất thải

Kiểm soát nguồn gốc chất thải thủy sản đặc biệt là nuôi tôm là một khâu quan trọng trong quản lý chất thải, nhằm xác định nguồn phát sinh, loại chất thải, lượng chất thải và các thông tin liên quan khác. Các phương pháp này giúp chúng ta có những biện pháp xử lý và giảm thiểu chất thải hiệu quả hơn.

Nguồn gốc chất thải
• 09:42 14/11/2024

Calciphos - Bí quyết giúp tôm nuôi lột xác nhanh bóng đẹp khỏe mạnh

Khoáng chất là một trong những yếu tố cốt lõi đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển toàn diện của tôm. Thiếu hụt khoáng chất có thể khiến tôm chậm lớn, vỏ mềm, dễ nhiễm bệnh. Calciphos với công thức được người nuôi tôm tin tưởng trong 15 năm là dung dịch khoáng đa vi lượng giúp người nuôi an tâm tôm cứng vỏ sau khi lột, chắc thịt, tăng cao tỷ lệ sống.

Calciphos Virbac
• 09:08 24/12/2024

Các lưu ý khi xử lý ao thả nuôi vụ tết 2025

Vụ nuôi thả dịp Tết luôn là thời điểm quan trọng trong ngành thủy sản. Xử lý ao nuôi tôm vụ Tết 2025 cần chú trọng các lưu ý đặc biệt để đảm bảo môi trường nước sạch, tôm khỏe mạnh, và đạt năng suất cao trong điều kiện thời tiết mùa Tết thường lạnh và có thể biến đổi thất thường.

Ao nuôi tôm
• 09:08 24/12/2024

Hướng đi xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm Việt Nam

Tôm Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng trên thị trường quốc tế nhờ chất lượng và giá trị dinh dưỡng cao. Tuy nhiên, để gia tăng giá trị thương hiệu và cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm tôm khác trên thế giới, việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm Việt Nam là một yếu tố quan trọng.

Tôm thẻ
• 09:08 24/12/2024

Những câu hỏi thường gặp về bệnh EHP trên tôm

Bệnh vi bào tử trùng EHP là một trong những bệnh nguy hiểm đối với tôm nuôi, gây ra thiệt hại lớn cho ngành thủy sản. Bệnh này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe và tốc độ tăng trưởng của tôm mà còn gây khó khăn trong quản lý ao nuôi. Dưới đây là những câu hỏi thường gặp về bệnh EHP và các giải pháp hiệu quả mà người nuôi tôm cần biết.

Tôm thẻ chân trắng
• 09:08 24/12/2024

Mật độ thả giống tối ưu cho từng loại hình nuôi tôm

Mật độ thả giống đóng vai trò then chốt ảnh hưởng đến sức khỏe, tốc độ tăng trưởng, và năng suất thu hoạch. Việc lựa chọn mật độ phù hợp không chỉ dựa trên loại hình nuôi mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như điều kiện ao, kỹ thuật chăm sóc, và môi trường nước.

Ao nuôi tôm
• 09:08 24/12/2024
Some text some message..