An Minh là huyện có diện tích SX theo mô hình lúa tôm lớn nhất tỉnh Kiên Giang với trên 30.000 ha. Khi mới chuyển đổi từ độc canh cây lúa sang luân canh lúa tôm, nông dân thường sử dụng giống lúa mùa địa phương để SX, năng suất không cao, chỉ đạt 3 - 4 tấn/ha.
Gần đây, nông dân chuyển qua SX giống lúa lai F1 hoặc lúa thơm ST5, năng suất được tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, thị trường đầu ra chưa ổn định, lợi nhuận không cao.
Trước thực tế đó, Cty CP BVTV An Giang đã triển khai xây dựng CĐML với diện tích 1.000 ha, sử dụng giống lúa BN1. Theo đó, Cty sẽ đầu tư toàn bộ giống, phân bón, thuốc BVTV và bao tiêu lúa hàng hóa cho nông dân với giá sàn là 8.000 đ/kg tại ruộng. Ngoài ra, nông dân còn được cán bộ kỹ thuật của Cty tập huấn, hướng dẫn quy trình canh tác trong suốt mùa vụ.
Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng phòng NN-PTNT An Minh cho biết, đây là mô hình CĐML đầu tiên trên diện tích lúa tôm ở địa bàn huyện. Tham gia mô hình nông dân được Cty cung ứng toàn bộ vật tư đầu vào và bao tiêu đầu ra nên bà con rất phấn khởi.
Giá sàn bao tiêu ban đầu là 8.000 đ/kg, nhưng để khuyến khích bà con tham gia, Cty đã nâng giá bao tiêu lên 9.000 đ/kg. Nếu vụ đầu này thành công thì chắc chắn nông dân sẽ đăng ký tham gia nhiều hơn, diện tích sẽ tăng lên, mở ra hướng làm ăn liên kết cho bà con nông dân.
Việc xây dựng mô hình CĐML trên vùng lúa - tôm không chỉ giúp nông dân yên tâm về đầu ra mà còn đảm bảo SX bền vững. Hạn chế được tình trạng nông dân chạy theo lợi nhuận từ con tôm, thả nuôi nối vụ kéo dài dẫn đến đất đai bị nhiễm mặn.
Ông Cao Văn Đặng, một nông dân tham gia chương trình xây dựng mô hình tôm lúa quản lý cộng đồng ở huyện An Minh cho biết: “Những năm qua, CĐML chủ yếu được triển khai ở vùng đất lúa 2, 3 vụ/năm. Bây giờ được triển khai trên nền đất lúa tôm, nông dân chúng tôi rất hào hứng tham gia. Nông dân SX ngại nhất là thị trường đầu ra không ổn định, còn làm mà có được hợp đồng bao tiêu thì rất yên tâm”.
Ông Nguyễn Đức Hiền, cán bộ FF (Chương trình "Cùng nông dân ra đồng") của Cty CP BVTV An Giang cho biết, giống lúa BN1 do Cty nghiên cứu, lai tạo. Đây là giống lúa thơm mang đặc tính của giống lúa mùa địa phương. Nếu gieo sạ theo lịch thời vụ lúa mùa (khoảng tháng 6, 7 âm lịch), thì giống lúa này có thời gian sinh trưởng khoảng 120 ngày.
Còn gieo sạ vụ đông xuân (giống như lúa ngắn ngày) thì thời gian sinh trưởng chỉ 90 ngày. BN1 có khả năng chống chịu rầy nâu, chịu phèn, mặn khá, thích hợp cho vùng lúa tôm, năng suất cao, gạo trong, cơm mềm và thơm nên rất thích hợp cho chế biến xuất khẩu.
Hiện nay, Cty đang triển khai ký hợp đồng với nông dân các xã Đông Hòa, Đông Hưng, Đông Thạnh và Thuận Hòa (An Minh) để xây dựng CĐML. Tham gia chương trình, nông dân được cung cấp lúa giống, đầu tư vật tư trả chậm vào cuối vụ.
Toàn bộ lúa hàng hóa sẽ được Cty bao tiêu theo hình thức cho mượn bao để thu hoạch, sau đó mang về nhà máy sấy miễn phí. Nông dân chỉ cần nắm số lượng và nhận tiền. Nếu chưa bán ngay thì được hỗ trợ lưu kho miễn phí một tháng.
ThS. Trần Quang Củi, PGĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, vụ mùa (lúa tôm) năm nay toàn tỉnh có kế hoạch xuống giống 65.858 ha, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng U Minh Thượng. SX lúa trên nền đất nuôi tôm có ưu điểm là nông dân ít sử dụng phân bón, thuốc BVTV nên chất lượng gạo tốt, có thể hướng tới SX lúa gạo hữu cơ đặc sản.
"Việc xây dựng CĐML trên vùng lúa tôm sẽ giúp nông dân yên tâm SX, đảm bảo đầu ra với giá cả ổn định. Đồng thời, góp phần thay đổi tập quán SX, tạo mối liên kết và nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo, tăng thu nhập cho người trồng lúa", ông Củi nói.