Một chiều tháng 3 nắng oi ả, chúng tôi theo chân anh Nguyễn Thành Luân- Phó Bí thư Huyện Đoàn Tam Bình- đến thăm mô hình kinh tế của anh Nguyễn Minh Điền- Bí thư Chi đoàn ấp Bình Điền (xã Bình Ninh- Tam Bình).
Anh Luân giới thiệu: Điền là thanh niên tiêu biểu vừa làm kinh tế giỏi cũng tích cực tham gia các hoạt động của chi bộ, chi đoàn tại địa phương. Mô hình kinh tế của chàng thanh niên này cũng được Huyện Đoàn tổ chức cho đoàn viên thanh niên địa phương đến tham quan học hỏi kinh nghiệm.
Tiếp chuyện với chúng tôi sau khi tư vấn cho khách hàng mua ếch giống xong, anh Điền cười tươi rói nói: Khách hàng đến đây đa phần là người dân ở địa phương.
Bà con với nhau nên mình giúp đỡ để họ có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế. Bởi “đến đây không chỉ được mua con giống mà họ còn được tư vấn cách chăm sóc, nếu không có điều kiện thì anh sẵn sàng cho mượn thức ăn”.
Vạt mấy trái dừa tươi mời chúng tôi giải khát, rồi anh bắt đầu câu chuyện về quá trình trở thành chàng “nông dân thực thụ” của mình.
Trước đây, sau khi học xong CĐ ngành kế toán, anh có đi làm ở TP Hồ Chí Minh nhưng vì hoàn cảnh đơn chiếc nên anh mới quyết định bỏ phố về quê.
Anh nhớ lại, lúc đó ông nội thì bệnh nặng sắp không qua khỏi còn cha anh thì bị tai biến, gia đình chỉ có mình anh là con trai nên phải về lo chuyện gia đình.
Ngoài phụ chăm sóc vườn nhà, thời gian rảnh anh còn tìm tòi, học hỏi các mô hình kinh tế hiệu quả và tự gây dựng mô hình kinh tế riêng cho mình.
Anh cho hay: “Lúc đó tôi lên mạng tìm hiểu xem nuôi gì, trồng cây gì mới có hiệu quả. Thấy nhiều mô hình kinh tế hiệu quả nhưng không hiểu sao tôi thích nuôi dê và nuôi ếch”.
Thế là anh bắt đầu sửa sang lại chuồng trại để nuôi dê vì dễ nuôi và ít tốn công chăm sóc. Còn ếch thì anh rủ thêm một người bạn cùng đi qua Đồng Tháp gặp “vua ếch” để học hỏi kinh nghiệm.
“Phải mấy ngày thức hôm thức khuya để canh ếch đẻ trứng, ấp trứng rồi cách chọn con giống sao cho tỷ lệ nuôi đạt cao… tôi mới “tủ” được bí quyết để về phát triển mô hình”- anh cười cho biết.
Theo anh Điền, dê rất dễ nuôi và thị trường rất ưa chuộng.
Đưa chúng tôi tham quan mặt hồ có chục vèo với hàng chục ngàn con ếch thịt, ông chủ trẻ giới thiệu: Nuôi ếch nguồn nước phải đảm bảo vệ sinh. Thêm nữa muốn cho hiệu quả kinh tế cao thì ếch phải xuất vèo mùa nghịch vì được giá hơn.
Cách đó không xa là hồ ếch giống được xây bê tông chắc chắn với hàng ngàn con ếch con. Cạnh bên là vèo “ếch sạch”.
Gọi là ếch sạch vì nó được nuôi bằng công nghệ vi sinh không sử dụng kháng sinh. Ếch này thịt sẽ ngon hơn, độ phát triển cao hơn và không bị ô nhiễm môi trường nước.
Anh chia sẻ: Thời buổi hiện nay thực phẩm sạch được người tiêu dùng lựa chọn. Vì thế thời gian gần đây anh có thử nghiệm nuôi ếch bằng vi sinh với mong muốn mang đến cho mọi người thực phẩm ngon lại đảm bảo sức khỏe. Hiện anh đã nuôi được lứa ếch đầu tiên khoảng 3.000 con và đã được thương lái đặt hàng.
Khi hỏi về thành quả hiện tại của mình, anh tự tin nói: Lúc đầu về quê không nghĩ rằng mình sẽ “mê” làm nông dân như thế này. Mặc dù có phần vất vả nhưng mình có thể làm chủ cả về kinh tế lẫn thời gian.
Và cũng theo anh, làm kinh tế muốn hiệu quả cần phải có quyết tâm, nhạy bén và đam mê. Hiện tại, với mô hình này, hàng năm gia đình anh thu nhập trên 300 triệu đồng.
Anh cho biết thêm: “Hướng tới, tôi sẽ phát triển mô hình ếch theo hướng khép kín và nuôi bằng phương pháp vi sinh. Thêm vào đó tôi sẽ thử nghiệm ép và bán cá giống sặt rằn, cá rô đầu nhím…
“Nếu bà con muốn phát triển mô hình kinh tế này, tôi sẽ hướng dẫn tận tình để cùng nhau làm giàu cũng là góp phần phát triển kinh tế- xã hội địa phương”.