Có nhiều cách để nhử lươn nhưng cách truyền thống mà hiệu quả nhất vẫn là dùng ống trúm (một loại ống được cắt ra từ thân cây tre to dài chừng 80 cm, để kín một đầu, đầu kia làm cái toi rồi bỏ mồi vào trong ống). Ống trúm đem đặt vào những mương nước, bờ ao, góc ruộng thế là ban đêm lươn đi tìm mồi chui vào rồi không ra được. Mỗi chiều một người đi thả chừng 15 đến 20 ống trúm, nếu gặp đêm may mắn thì buổi sáng số lươn thu về cũng kha khá.
Đặc điểm của lươn đồng mùa này con to, béo, được nhử bằng ống trúm nên lúc nào cũng còn sống và tươi ngon. Con lươn làm được nhiều món như xào xả ớt, um bắp chuối, làm lẩu nhưng trong khẩu vị quen thuộc từ xưa đến giờ của người làng quê không thể thiếu món cháo.
Nhử lươn đã công phu nhưng người dân quê tôi làm lươn nấu lại công phu hơn nhiều. Chính vì vậy mà cháo lươn được nhiều người thích và không thể nào quên, dù đi xa tới tận đâu. Để sạch lươn, người làm cho muối hột vào trong phần lươn đã chọn. Đảo lươn và muối chừng 5 phút rồi đem xả nước lạnh thì phần lươn đã hết nhớt. Nếu muốn kỹ hơn, người nấu có thể rửa lại bằng giấm hoặc chanh để khử mùi tanh. Sau đó lấy dao cắt phía dưới bụng lươn rồi dùng sợi lạt mềm cho vào bụng xoăn lại để lấy ruột ra. Cách làm này nhanh, con lươn còn nguyên hình và lấy được nhiều tiết.
Công đoạn tiếp theo là cho lươn vào nồi nước luộc cùng với một vài lát nghệ hoặc gừng. Chỉ luộc sơ rồi vớt lươn ra để tuốt thịt bỏ xương, nếu luộc chín quá thì xương sẽ rời từng đoạn, rất khó lấy thịt. Phần thịt được đem ướp các loại gia vị để sẵn một bên. Phần xương đem giã nhỏ, chần lấy nước cùng với tiết đã lấy trước đó cho vào nồi nước luộc lươn rồi cho gạo ngon vào nấu cháo. Khi cháo đã chín đều, người nấu đem phi hành xào phần thịt lươn đã ướp cho thấm gia vị rồi cho vào nồi. Để cháo ngon hơn cần có một ít rau răm hoặc ngò gai xắt thật nhỏ nêm vào.
Cháo lươn ăn nóng hôi hổi mới ngon. Gia vị kèm theo lúc nào cũng có là một dĩa ớt trái xắt, tiêu bột, một chén nghệ tươi giã nhỏ và nếu có cái bánh tráng nướng lại càng ngon hơn.