Theo kết quả quan trắc mới nhất vào tháng 8/2019 của Sở TN&MT Đồng Nai, chất lượng nước sông Đồng Nai trên 4 đoạn chảy qua địa bàn tỉnh có hàm lượng amoni, TSS, DO (lượng ôxy hòa tan trong nước), vi sinh… không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt.
So sánh với kết quả quan trắc cùng thời kỳ năm 2018 thì thấy đoạn 1 từ thượng nguồn sông Đồng Nai, huyện Tân Phú đến hồ Trị An và đoạn 2 từ hồ Trị An đến bến đò Biên Hòa - Bửu Long của sông Đồng Nai chảy qua địa bàn tỉnh, chất lượng nước mặt đều bị suy giảm. Đối với đoạn 3 từ bến đò Biên Hòa - Bửu Long đến cầu Đồng Nai và đoạn 4 từ cầu Đồng Nai đến hợp lưu với sông Sài Gòn, chất lượng nước mặt tương đương với cùng kỳ năm 2018.
Từ kết quả quan trắc nói trên, Sở TN&MT xác định chất lượng nước mặt tại 4 đoạn trên của sông Đồng Nai không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt.
Ngoài ra, tại các vị trí cấp nước trên sông Đồng Nai gồm Nhà máy nước Thiện Tân, Trạm bơm nước Hóa An và Nhà máy nước Biên Hòa, chất lượng nước không đạt mục đích cấp nước sinh hoạt sau xử lý do hàm lượng hữu cơ, TSS, dinh dưỡng và vi sinh tăng cao, không đạt so với quy chuẩn QCVN 08-MT:2015 BTNMT, cột A2. Cụ thể, COD vượt 1,1 - 1,3 lần, TSS vượt 1,4 - 1,6 lần, amoni vượt 1,1 - 2,6 lần, E.Coli vượt 18,6 - 150 lần, Colifrom vượt 3 - 9,2 lần.
Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai Đặng Minh Đức cho biết, căn cứ kết quả quan trắc chất lượng nước sông Đồng Nai, Sở đã đề nghị Công ty TNHH MTV Cấp nước Đồng Nai tăng cường kiểm soát chất lượng nước mặt trước và sau khi xử lý để đảm bảo chất lượng nước cấp đạt quy chuẩn cho người dân sử dụng.
Trong đó, lưu ý kiểm soát chất lượng nước mặt trước khi vào Nhà máy nước Thiện Tân, Trạm bơm nước Hóa An và Nhà máy nước Biên Hòa. Sở cũng đề nghị UBND các huyện, TP Long Khánh và TP Biên Hòa có biện pháp tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải trên địa bàn; các sông, suối có chất lượng nước mặt không có dấu hiệu cải thiện và luôn trong tình trạng ô nhiễm, đề nghị thực hiện các dự án nạo vét, khơi thông dòng chảy, che chắn khu vực xung quanh sông suối gây tắc nghẽn dòng chảy và gia tăng ô nhiễm nước mặt.
Đề nghị Sở NN&PTNT Đồng Nai, UBND các huyện, TP Long Khánh, TP Biên Hòa, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai thông báo đến người dân trong khu vực, đặc biệt là các hộ dân sử dụng nguồn nước trong quá trình nuôi trồng thủy sản, để có biện pháp ứng phó kịp thời.
Theo Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai, tình trạng nước ô nhiễm là do phong trào nuôi cá lồng bè tự phát trên sông Đồng Nai. Tại khu vực làng cá bè Tân Mai, chất lượng nước mặt luôn trong tình trạng ô nhiễm, hàm lượng ôxy hòa tan DO thấp, dao động từ 0,4 - 5,8 mg/lít, hàm lượng các chất hữu cơ, dinh dưỡng, TSS, vi sinh không đạt so với quy chuẩn. Cụ thể, COD vượt 1,1 - 3,2 lần, BOD5 vượt 2,7 lần, TSS vượt 1,4 - 1,5 lần, amoni vượt 2,8 - 23,2 lần, Ecoli vượt 46 - 480 lần, Colifrom 1,9 - 18,6 lần. Còn tại khu vực làng cá bè La Ngà, chất lượng nước mặt cải thiện hơn so với đợt quan trắc tháng 7-2019.
Khu vực từ cách cầu La Ngà 1,5km về phía hạ lưu đến hợp lưu suối Tam Bung - sông La Ngà, hầu hết các thông số đều đạt quy chuẩn cho phép. Riêng vị trí số 1 Tam Bung chất lượng nước ô nhiễm do hàm lượng hữu cơ, dinh dưỡng không đạt so với quy chuẩn. Cụ thể, TSS (tổng rắn lơ lửng) vượt 1,2 lần, COD vượt 2,3 lần, photphat vượt 4,9 lần, nitric vượt 5,8 lần.