Chúng tôi đến thị trấn Tân Thạnh, huyện Thạnh Hoá, nơi có những chiếc ghe máy đang đậu tại bến. Từ đây, chúng tôi thuê một chiếc ghe để tìm vào khu cánh đồng tôm tự phát của người dân.
Dẫn chúng tôi ra ao tôm sắp đến ngày thu hoạch, ông Ngô Thành Vũ (ấp 4, xã Thuỷ Tây, huyện Thạnh Hoá) có vẻ như vẫn còn quen tay với việc cầm cuốc, liềm chứ chưa quen lắm với những thao tác xử lý kỹ thuật ao tôm bán công nghiệp của gia đình.
Sau khi nổ máy khởi động dàn quạt nước quay tít sục khí cho ao tôm, ông quay lại chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng tràm nhưng tính ra cả năm cũng chỉ thu được khoảng 20 triệu đồng/ha nên tôi quyết định đốn tràm để trồng lúa, nhưng cũng chẳng ăn thua. Tôi khẳng định, hộ nào trồng được dăm bảy mẫu lúa trở lên sống tạm được, còn nếu chỉ có vài ba công xem như đói quanh năm!”.
Theo ông Vũ, khi thấy người ta nuôi tôm nhanh thu hoạch lại có lời cao, gia đình ông cũng bắt đầu chặt tràm, nhổ lúa để chuyến hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Đến nay, ông đã thu hoạch được 5 vụ tôm, cho lợi nhuận cao gấp chục lần so với trồng lúa trước đây.
Những ao tôm của người dân nuôi tự phát nằm giữa cánh đồng lúa ở Long An. Ảnh: BLA
“Lúc đầu để nuôi tôm thẻ, tôi phải mua muối từ tỉnh Bến Tre về pha mới đủ độ mặn. Ở đây cũng có hộ đầu tư khoan giếng bơm nước mặt lên ao pha với nước sông để nuôi tôm, nhưng khi bị chính quyền cấm bà con đành phải mua muối về xử lý độ mặn”, ông Vũ tâm sự.
Tôi hỏi, khi bà con đang quen trồng lúa, trồng tràm sao lại rành được việc nuôi tôm thẻ chân trắng, vốn được xem là nghề đầy rủi ro thế này? Ông Vũ bảo, cái khó nó ló cái khôn. Về kỹ thuật, nuôi tôm bà con nhờ cả vào phía các công ty bán con giống và thức ăn thuỷ sản, họ “bao sân” sẵn sàng cử kỹ sư xuống tận ao hỗ trợ ngay từ vụ đầu. Còn đầu ra chỉ cần chờ đến ngày thu hoạch a lô cho lái xuống kéo tôm lên cân rồi trả tiền tươi, thóc thật tại chỗ là xong.
Kế bên ao tôm nhà ông Vũ, anh Ngô Thanh Giàu cũng đang thả nuôi hai ao tôm thẻ chân trắng trên ruộng lúa được gần hai năm. “Lúc đầu có một hộ dân từ Bến Tre đem tôm về đây nuôi, ngay vụ đầu tiên đã trúng đậm nên họ chỉ cho chúng tôi cùng làm theo. Ở đây bà con nuôi tôm đều xử lý rất kỹ qua ao lắng, ao chứa, ao bùn. Toàn bộ ao tôm và xung quanh bờ bao đều lót bạt kín, nói chung không ảnh hưởng gì nước bên ngoài môi trường”, anh Giàu nói.
Theo anh Giàu, có vài lần chính quyền xuống tận nơi kiểm tra nhắc nhở bà con phải xử lý ao nuôi tôm kỹ để không làm ảnh hưởng đến vùng sản xuất lúa xung quanh. Ở đây bà con chủ yếu nuôi tôm tự phát, số tiền đầu tư ban đầu cũng khá lớn cho nên cũng mong Nhà nước xem xét lại và mạnh dạn quy hoạch vùng nuôi giúp bà con phát triển kinh tế.
Theo thống kê của Phòng NN-PTNT Thạnh Hóa, hiện tổng diện tích ao nuôi thủy sản toàn huyện là 147,82ha, trong đó riêng diện tích tôm thẻ chân trắng là 20,379 ha. Thời gian qua, việc phát triển nuôi tôm thẻ chủ yếu xuất phát từ các hộ nuôi cá, tận dụng các ao nuôi cũ có sẵn cải tạo lại để nuôi tôm.
Do nuôi tôm thẻ chân trắng có lợi nhuận cao nên nhiều hộ dân ở Vùng Đồng Tháp Mười, Long An đã chuyển dần diện tích đất trồng lúa, tràm sang nghề nuôi tôm. Ảnh: BLA
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2016, một vài hộ dân ở xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa đào ao trên khoảng 2ha đất trồng lúa để nuôi tôm thẻ chân trắng.
Do hiệu quả nuôi tôm thẻ chân trắng ban đầu khá cao, gấp nhiều lần so với trồng lúa, từ đó phong trào đào đất trồng lúa, tràm chuyển sang nuôi tôm lan rộng ra nhiều xã của huyện Mộc Hóa và các huyện khác như Tân Hưng, Tân Thạnh, Thạnh Hóa và thị xã Kiến Tường…
Có mặt tại một vùng nuôi ở ấp 2, xã Tân Lập được nông dân đầu tư bài bản, dù khu vục này nằm ven sông Vàm Cỏ Tây, quanh năm nước ngọt, nhưng bên trong đê bao ngăn lũ là những ao nuôi tôm thẻ có quy mô lớn. Người nuôi tôm đầu tiên ở xã Tân Lập là ông Lê Trường Sơn (ấp 2), chỉ với 1ha ban đầu đến nay ông Sơn đã nuôi được 10 vụ và vụ nào cũng thu lợi nhuận khá cao.
Từ chuyện nuôi tôm thẻ chân trắng của hộ ông Sơn thu lợi nhuận gấp 20 lần so với lúa khiến bà con cũng ồ ạt bỏ lúa đào ao nuôi tôm. Chỉ sau vài năm, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An đã tăng lên hàng trăm ha.
Do tôm thẻ chân trắng phù hợp với môi trường nước mặn, trong khi vùng Đồng Tháp Mười lại là vùng nước ngọt nên bà con đã tự bỏ tiền khoan giếng khai thác nguồn nước mặt tại chỗ và mua thêm muối về bổ sung vào ao nuôi. Chính việc nuôi tôm thẻ chân trắng có lợi nhuận cao nên nhiều hộ dân khác cũng đã chuyển dần diện tích đất trồng lúa, tràm sang nghề nuôi tôm này.
Không chỉ nuôi tôm trên ruộng tràm, ruộng lúa, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thạnh Hoá nay còn cải tạo những ao cá nước ngọt để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng vì cho lợi nhuận cao hơn. Điển hình như hộ anh Lê Hoài Nguyễn Tuấn (ấp Bà Luông, xã Thuận Nghĩa Hoà) từ cuối năm 2019 vay vốn đầu tư cải tạo thêm 2 ao cá và 1 ao lắng để bắt đầu nuôi tôm.
nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Thạnh Hoá nay còn cải tạo những ao cá nước ngọt để chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng vì cho lợi nhuận cao hơn. Ảnh: BLA
Anh Tuấn chia sẻ: “Nuôi tôm khác nuôi cá là cứ đến lứa phải thu hoạch, còn tôm càng để càng lớn tiền tuỳ theo thời tiết và nguồn vốn mua thức ăn hay không để quyết định ngày kéo. Đến nay, hai ao tôm của tôi đã được 110 ngày tuổi, chắc khoảng gần một tháng nữa sẽ thu hoạch, hiện tôm đang phát triển tốt, hy vọng vụ nuôi này sẽ thắng lợi”.
Theo anh Tuấn, do khu vực này tầng nước mặt bị nhiễm phèn nặng, nếu khoan giếng để lấy nước nuôi tôm tốn rất nhiều tiền xử lý, do đó bà con ở đây cũng thường mua muối về pha xử lý ao tôm.
Gần đó, gia đình ông Nguyễn Văn Nhi, ấp Bà Luông lúc đầu đang nuôi 3 ao cá trê nhưng mấy năm qua đều thua lỗ mất 300 triệu đồng. Thấy người dân xung quanh đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng cho hiệu quả cao nên gia đình ông cũng mở rộng mô hình thả nuôi thêm tôm được 2 vụ.
“Khi con cá tra bị mất giá, tôi quyết định chuyển qua nuôi thêm tôm. Lúc đầu được phía công ty hướng dẫn cách chia ao lắng, ao nuôi và tỉ lệ pha nước đủ độ mặn phù hợp nhất. Mặc dù thu hoạch vụ đầu thất bại nhưng vụ sau đạt, cho thu lời được 200 triệu”, ông Nhi chia sẻ.
Ông Nguyễn Kinh Kha, Trưởng Phòng NN-PTNT Thạnh Hoá cho biết: Hiện nay nuôi thuỷ sản trên địa bàn của huyện chủ yếu tập trung nuôi cá nước ngọt, trong đó có nhiều hộ dân đã tự ý chuyển hướng sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong thời gian qua, chúng tôi cũng đã khuyến cáo người dân vì đây là khu vực nước ngọt, nếu bà con nuôi tôm thẻ chân trắng sẽ bị rủi ro rất cao và dễ xảy ra dịch bệnh, ảnh hưởng đến hệ sinh thái của toàn khu vực xung quanh.