XỬ LÝ DỨT ĐIỂM VI PHẠM ĐẤT ĐAI, CÁC DỰ ÁN CHẬM TRIỂN KHAI
Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Như Thức đăng đàn trả lời chất vấn, cho biết: Tình trạng lấn, chiếm đất để nuôi tôm trái phép tại các địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh đã diễn ra rất phức tạp trong nhiều năm qua. Qua thanh tra, sở đã phát hiện tổng diện tích vi phạm khoảng 54,3ha. Trong đó lấn, chiếm đất công trái phép để nuôi tôm khoảng 34ha, sử dụng đất không đúng mục đích hơn 17,1ha, UBND cấp xã cho thuê đất trái phép gần 3,2ha. UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển trên địa bàn tỉnh phải kiên quyết xử lý dứt điểm tình trạng nuôi tôm trái phép, chậm nhất đến hết tháng 12/2015…
Đại biểu Lê Thanh Đồng chất vấn: Liệu vấn đề nói trên có được xử lý dứt điểm trong năm 2015? Hiện nay còn những vướng mắc gì, nếu xử lý chưa xong thì thời gian gia hạn đến khi nào? Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, việc xử lý chủ yếu phụ thuộc vào chính quyền địa phương. Sở TN-MT kiến nghị UBND tỉnh gia hạn thời gian xử lý vấn đề này đến cuối tháng 6/2016 phải dứt điểm. Đại biểu Phạm Kiên cho rằng, nếu chỉ giao cho chính quyền cấp xã xử lý vấn đề lấn, chiếm đất để nuôi tôm thì đến cuối tháng 6/2016 và có thể lâu hơn nữa cũng không thể xử lý dứt điểm được. Theo đại biểu Phạm Kiên, vấn đề này cần có sự vào cuộc của các sở, ban, ngành của tỉnh và huyện, đồng thời có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh.
Đồng chí Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Chủ tọa kỳ họp, thống nhất với đề xuất gia hạn thời gian của Giám đốc Sở TN-MT. Đồng chí đề nghị UBND tỉnh có báo cáo tình hình xử lý việc lấn, chiếm đất để nuôi tôm trong thời gian qua, nêu nguyên nhân vì sao chưa xử lý dứt điểm và kiểm điểm trách nhiệm, đồng thời có văn bản đồng ý gia hạn thời gian xử lý để các địa phương thực hiện. Nếu đến cuối tháng 6/2016 mà vẫn chưa xử lý xong thì chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và UBND tỉnh chịu trách nhiệm trước HĐND tỉnh.
Đối với vấn đề nhiều dự án ngoài ngân sách được Nhà nước giao đất, cho thuê đất đã nhiều năm nhưng không thực hiện hoặc thực hiện một phần, có dự án xin gia hạn nhiều lần nhưng vẫn không thực hiện đầu tư xây dựng, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Như Thức cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn một số dự án đã giao đất nhưng triển khai còn chậm hoặc chưa triển khai. Sở TN-MT đã làm việc và đôn đốc, nhắc nhở chủ đầu tư, đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn thuộc sở theo dõi, tiến hành thanh kiểm tra các dự án này.
Đầu năm 2014, Sở TN-MT đã cử đoàn thanh tra tiến hành thanh tra 45 dự án, trong đó có 17 dự án chậm triển khai sử dụng. Sở TN-NT đã kiến nghị UBND tỉnh thu hồi 2 dự án và 1 dự án khác chuẩn bị thu hồi, 7 dự án Sở TN-MT nhận thấy vấn đề chậm trễ là do nguyên nhân khách quan nên đã tham mưu UBND tỉnh cho gia hạn, 2 dự án khác thì UBND tỉnh đang xem xét cho gia hạn, 5 dự án chưa có ý kiến của chủ đầu tư. Ngoài ra, Sở TN-MT cũng tiến hành thanh tra 12 dự án khác. Đến nay, trên địa bàn tỉnh còn 27 dự án chậm triển khai sử dụng theo kế hoạch. Năm 2016, Sở TN-MT tiếp tục thanh tra vấn đề này và có hướng tham mưu cụ thể từng trường hợp để UBND tỉnh xem xét, quyết định.
CẦN ĐẦU TƯ CHO VỆ SINH MÔI TRƯỜNG
Vấn đề vệ sinh môi trường khu vực đô thị, nông thôn còn nhiều hạn chế, có chiều hướng xấu, Giám đốc Sở TN-MT Nguyễn Như Thức cho biết: Hiện tổng lượng rác thải hàng ngày trên địa bàn tỉnh khoảng 640 tấn, trong đó khu vực nông thôn khoảng 50% và khu vực đô thị khoảng 50% tổng lượng rác thải. Việc quản lý rác thải, chất thải trong thời gian qua, UBND tỉnh đã có chỉ đạo, Sở TN-MT cũng đã có nhiều ý kiến, hướng dẫn các địa phương tổ chức thu gom, đồng thời tiến hành quy hoạch lại các bãi rác. Hiện nay, trên địa bàn mỗi huyện đều có từ 1-2 bãi rác, một số điểm trung chuyển rác và trang bị phương tiện thu gom. Trên địa bàn tỉnh hiện có 66 xã có tổ thu gom rác thải của địa phương mình. Theo thống kê sơ bộ, hiện hàng ngày lượng rác thu gom ở khu vực nông thôn đạt khoảng 75%, khu vực đô thị khoảng 90% và ngân sách địa phương cũng tham gia chi cho vấn đề này. Tuy nhiên, vẫn có một số nơi, một số địa phương vẫn còn phát sinh tiêu cực về vấn đề vệ sinh môi trường, đặc biệt là ở TP Tuy Hòa. Nguyên nhân là do địa phương triển khai thu gom chưa quyết liệt, chưa triệt để, thu gom nhưng chưa xử lý, thiếu phương tiện, ý thức người dân chưa cao…
“Sở TN-MT cũng nhận thấy sở chưa làm tròn trách nhiệm nên sắp tới sẽ cố gắng hơn nữa để tham gia giải quyết vấn đề rác thải, môi trường ô nhiễm. Sở TN-MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch năm 2016 về vệ sinh môi trường. Theo đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân, thành lập các tổ cộng đồng, tổ quy tắc để phát hiện và xử lý kịp thời vấn đề phát sinh, vấn đề thiếu ý thức của người dân”, ông Thức nói. Hiện nay, toàn tỉnh cần khoảng 70 tỉ đồng/năm để thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn, trong khi đó kinh phí bố trí hiện nay khoảng 35 tỉ đồng (thu phí khoảng 11 tỉ đồng, ngân sách cấp 24 tỉ đồng). Sắp tới, Sở TN-MT đề nghị HĐND tỉnh cân đối thêm kinh phí để các địa phương trên địa bàn tỉnh triển khai thu gom rác bảo vệ môi trường.