Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong số các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, kim ngạch xuất khẩu chủ yếu chỉ tập trung vào 20 doanh nghiệp với tổng doanh thu gần 890 triệu đô la Mỹ, chiếm 61% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành.
VASEP cho biết, so với năm 2011 thì năm nay có 160 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra, giảm 71 doanh nghiệp, tương đương gần 30% doanh nghiệp không còn xuất khẩu cá tra nữa. Tuy nhiên, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra cả năm 2012 nhiều khả năng sẽ đạt 1,8 tỉ đô la Mỹ, tương đương năm 2011.
Trong tất cả các thị trường, Hồng Kông, Trung Quốc có tốc độ tăng trưởng (kim ngạch) gần 35% so với năm 2011, tiếp đến là thị trường Mỹ với kim ngạch xuất khẩu tăng hơn 17% so với cùng kỳ. Trong khi đó, do nhiều nước tại châu Âu đối mặt với khó khăn về kinh tế nên thị trường này giảm lượng nhập khẩu cá tra từ Việt Nam khiến kim ngạch xuất khẩu giảm gần 20%.
Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam sang thị trường châu Âu là 526 triệu đô la Mỹ, chiếm hơn 29% tổng kim ngạch xuất khẩu, còn thị trường Mỹ là gần 332 triệu đô la Mỹ, chiếm hơn 18% giá trị xuất khẩu của toàn ngành.
Theo VASEP, hiện cá tra Việt Nam đã xuất khẩu qua 135 quốc gia, vùng lãnh thổ; trong đó, cá tra phi lê chiếm tỷ trọng gần 96%, còn lại là những sản phẩn như cá tra cắt khúc tươi/sống và đông lạnh.
Tính đến hết tháng 11-2012, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích nuôi thả cá tra của Việt Nam là 5.477 héc ta, tăng gần 12,5%, diện tích cá tra đã thu hoạch là 3.844 héc ta, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2011. Tổng sản lượng cá tra nguyên liệu đã thu hoạch là hơn 1 triệu tấn, năng suất bình quân là 279 tấn/héc ta, giảm 26 tấn/héc ta so với năm 2011.
Nguyên nhân là do trong năm 2012 giá nguyên liệu để sản xuất thức ăn cho cá như bắp, đậu tương, bộ cá tăng giá nên thức ăn cho cá tra cũng tăng 15-20% so với năm 2011 nên người nuôi cá chuyển sang nuôi cá bằng thức ăn tự chế và chỉ cho cá ăn thức ăn công nghiệp khi đến thời điểm thu hoạch.