Theo báo cáo tài chính của Công ty CP Thủy sản Cửu Long (CLP), trong quý II-2013, doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ của công ty đạt 199,5 tỷ đồng, gần bằng 80% so với cùng kỳ năm 2012. Cùng với đó, doanh thu từ hoạt động tài chính của công ty cũng giảm tới 93% so với quý II năm trước, chỉ đạt 388,6 triệu đồng. Chi phí tài chính giảm được 36%, còn 4,8 tỷ đồng, song chi phí bán hàng lại tăng hơn 1,3 tỷ đồng, lên mức 7,5 tỷ đồng; chi phí khác cũng tăng từ 2,7 triệu đồng trong quý II năm trước lên 43 triệu đồng trong quý II-2013. Bởi lẽ đó, lợi nhuận sau thuế của CLP chỉ đạt 257 triệu đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm 2012. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty lỗ 3,3 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm trước, CLP thu về 750 triệu đồng lợi nhuận sau thuế.
Giải trình về nguyên nhân của việc biến động lợi nhuận, ông Nguyễn Văn Bang -Tổng Giám đốc Công ty CLP cho biết, trong những tháng đầu năm, do việc nuôi trồng không thuận lợi, tôm chết nhiều dẫn đến nguồn cung nguyên liệu khan hiếm, có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất trong nước nên giá cả tăng cao. Kéo theo đó, một số hợp đồng của quý II giao hàng không đạt hiệu quả. Ông Bang cho biết thêm, hiện tại các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đều tăng cường kiểm tra các dư lượng kháng sinh có trong tôm được NK từ Việt Nam. Bên cạnh đó, việc XK vào thị trường Nhật gặp khó khăn, doanh số tại thị trường Nhật giảm đáng kể, thị trường EU chỉ mua hàng với số lượng ít, mua nhiều mặt hàng cho mỗi đơn hàng nên thời gian sản xuất kéo dài, dẫn đến hiệu quả không cao. Tại thời điểm 30-6, hàng tồn kho của CLP ở mức 246,8 tỷ đồng, tăng 46 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, tồn kho thành phẩm chiếm tới 94%.
Lợi nhuận quý II-2013 của Công ty CP Vĩnh Hoàn cũng sụt giảm tới 25% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt trên 51 tỷ đồng dù doanh thu thuần có sự tăng trưởng tới 37%, đạt 1.347 tỷ đồng. Bà Trương Thị Lệ Khanh - Tổng Giám đốc VHC cho biết, trong quý II-2013 giá thành nuôi tăng cao, trong khi sức mua giảm, lượng hàng tồn kho toàn thị trường tăng làm giá XK trong kỳ giảm so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, giá vốn hàng bán trong kỳ đã tăng 46% so với quý 2 năm trước, khiến lợi nhuận gộp chỉ đạt 138 tỷ đồng, giảm 8%. Chi phí tài chính của VHC cũng tăng từ 11 tỷ đồng trong quý II-2012 lên trên 21 tỷ đồng trong quý II-2013. Chi phí bán hàng và chí phí quản lý DN cũng gia tăng, đạt lần lượt 57 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.
Chi phí lãi vay giảm, song các chi phí khác đều tăng, cùng với việc doanh thu sụt giảm là nguyên nhân khiến cho lợi nhuận ròng của Công ty CP Đầu tư Thương mại Thủy sản (ICF) trong quý II-2013 sụt giảm tới 80% so với quý II năm trước, đạt chưa tới 86 triệu đồng. Cụ thể, trong kỳ, doanh thu của ICF giảm nhẹ gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi phí bán hàng lại tăng hơn 4%. Thu nhập khác đạt không đáng kể, trong khi cùng kỳ năm trước đã mang về 250 triệu đồng. Đó là những nguyên nhân khiến lợi nhuận của ICF sụt giảm như trên. Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty chỉ lãi vỏn vẹn 106,5 triệu đồng, giảm tới 87% so với cùng kỳ năm trước.
Một “ông lớn” trong ngành thủy sản là Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) cũng có lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 24 tỷ đồng, giảm 61% so với 6 tháng đầu năm 2012. Theo đó, doanh thu 6 tháng của MPC giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá vốn hàng bán vẫn ở mức tương đương khiến cho lãi gộp của công ty giảm tới 21%, đạt 411 tỷ đồng. Tại thời điểm 30-6, tồn kho của MPC ở mức 2.702 tỷ đồng, tăng 474 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó, có tới 2.541 tỷ đồng là tồn kho thành phẩm. Tương tự như vậy, lợi nhuận của Công ty CP Chế biến thủy sản và XNK Cà Mau (CMX), Công ty CP thủy sản Mekong, Công ty CP XNK Thủy sản Bến Tre, Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang cũng đã sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2013, trị giá XK thủy sản của Việt Nam đạt 2,82 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, XK thủy sản sang thị trường EU giảm 9,5%, Nhật Bản đã giảm 4,1%, Hàn Quốc giảm 20,3%...