Trong khuôn khổ phối hợp thực hiện Chương trình "Nâng cao chất lượng đào tạo nghề - ngành Nuôi trồng thủy sản", của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) và Liên đoàn Giới chủ Na Uy (NHO). Ngày 14 và 15-8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phát triển ngành Nuôi biển công nghiệp.
Nội dung hội thảo được nghiên cứu với 05 chủ đề chính:
(1) Xây dựng trang trại nuôi biển: Tiêu chí lựa chọn, vị trí cố định lồng bè nuôi, hệ thống neo đậu; lồng nuôi và lưới (lồng nhựa HDPE);
(2) Vận hành trang trại nuôi biển: Vận chuyển cá sống, máy móc và thiết bị; thức ăn đối với cá biển công nghiệp; cách ngăn chặn vi sinh, hệ thống kiểm soát nội bộ, chứng chỉ và truy xuất nguồn gốc;
(3) Sức khỏe cá: các kinh nghiệm/thực hành tốt trong việc nuôi; ngăn chặn nhiễm khuẩn, theo dõi sự tăng trưởng, cách thu hồi và xử lý cá chết, bệnh cá...;
(4) Các vấn đề về môi trường: Tác động và các phương pháp bảo vệ môi trường; cách ngăn chặn cá nuôi thoát ra ngoài lồng; dự báo các tình huống khẩn cấp như: tràn dầu, tình trạng tảo nở hoa - algae bloom,...
(5) Đào tạo và giảng dạy: Giáo trình, đào tạo lại và đào tạo bổ sung cho kỹ thuật viên và trưởng nhóm; đào tạo giảng viên nguồn; vai trò của các bên liên quan...tập trung thảo luận các vấn đề về: thiết kế, vận hành trang trại nuôi biển; kỹ năng quản lý môi trường nước; chăm sóc sức khỏe, cho ăn và phòng, trị bệnh cá nuôi; chia sẽ về một số kinh nghiệm phát triển công nghiệp của Na Uy; trang bị một số kiến thức, kỹ năng cho chủ trang trại; quản lý con người, bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường sinh thái biển, quy luật biến động môi trường biển,...
Tại hội thảo có nhiều ý kiến trao đổi, thảo luận giữa các đại biểu và chuyên gia, ông Phù Vĩnh Thái, Phó trưởng Phòng Nuôi trồng thủy sản - Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang tham gia ý kiến: "Kiên Giang là một tỉnh có bờ biển dài hơn 200km, diện tích vùng biển rộng hơn 63.000km², gấp 10 lần so với diện tích tự nhiên, tiềm năng, lợi thế về biển là rất lớn; thực trạng Kiên Giang có hơn 4.000 lồng nuôi, chủ yếu nuôi nhỏ lẻ, ven đảo theo hình thức truyền thống (kết cấu bè gỗ, chịu sóng gió kém), đến nay chỉ có Công ty TNHH MTV TMDV XNK Trấn Phú nuôi lồng tròn (công nghệ Na Uy, có khả năng chịu sóng gió lớn) theo quy mô công nghiệp tại vùng biển xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc, đạt kết quả khá thành công (04 lồng nuôi cho sản lượng khoảng 100 tấn/năm); sắp tới Tập đoàn Mavin sẽ tham gia đầu tư khoảng 1.000 lồng hiện đại trên diện tích khoảng 2.000 ha (công suất 30.000 tấn/năm). Mặc dù có nhiều tiềm năng và thời gian qua phong trào nuôi cũng có sự tăng trưởng đều đặn nhưng nghề nuôi biển của Kiên Giang cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Nhìn chung, vấn đề khó khăn nhất của tỉnh để thúc đẩy đầu tư áp dụng công nghệ nuôi biển ngoài khơi xa là thiếu chính sách hỗ trợ, ưu đãi vốn vay tín dụng cho tổ chức, cá nhân chuyển sang đầu tư nuôi biển (có thể là từ nghề khai thác thủy sản hiện nay không còn hiệu quả). Qua đó cũng xin đề xuất Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT, các Viện, Trường hỗ trợ Kiên Giang giới thiệu tiềm năng nuôi biển của tỉnh đến các Nhà đầu tư có năng lực và mong muốn đầu tư phát triển nuôi biển; đồng thời, cần có chương trình, dự án đánh giá được sức tải môi trường ở những vùng nuôi biển tập trung (như xã Hòn Nghệ (huyện Kiên Lương), Quần đảo Nam Du (huyện Kiên Hải),…) làm cơ sở quy hoạch vùng nuôi hợp lý để cụ thể hóa chủ trương phát triển nuôi biển công nghiệp của Việt Nam nói chung và của Kiên Giang nói riêng". Kết quả hội thảo đã giúp cho các nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp nâng cao sự hiểu biết về bố trí bè nuôi an toàn; trang bị về kiến thức quản lý, các vấn đề môi trường sinh thái biển, kỹ năng nhận biết, giải pháp sử dụng kháng sinh, hóa chất và xử lý khi cá bệnh...
Chủ trương tập trung phát triển nuôi biển công nghiệp được xem là hướng đi mới của ngành thủy sản Việt Nam, vừa đảm bảo sản lượng cho xuất khẩu, vừa đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc theo kiến nghị của Ủy ban Châu Âu EC, đồng thời tạo ra hướng sinh kế mới cho ngư dân, cũng như việc chuyển đổi nghề thủy sản, góp phần phát triển kinh tế biển cả nước nói chung và Kiên Giang nói riêng, phù hợp với Nghị quyết số 836/NQ-BCSĐ ngày 17/7/2019 của Ban cán sự Đảng Bộ NN&PTNT về tăng cường đầu tư để nâng cao hiệu quả khai thác hải sản và đẩy mạnh nuôi trồng trên biển góp phần thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đáp ứng yêu cầu quản lý nghề cá theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017.