Huyện Chiêm Hóa có 407,8 ha diện tích ao, hồ chiếm 0,32% tổng diện tích tự nhiên. Ao hồ ở Chiêm Hóa chủ yếu được ngăn từ các khe nước nhỏ trong hẻm núi hoặc các vùng đất trũng lầy thụt không canh tác cây nông nghiệp. Nuôi thủy sản ở ao hồ đã gắn bó với bà con nhân dân trên địa bàn Chiêm Hóa từ nhiều năm nay, đối tượng nuôi là các loài cá truyền thống như trắm cỏ, chép, rô phi... ngoài ra, nghề nuôi cá lồng cũng được thực hiện tại một số xã như Yên Nguyên, Ngọc Hội, thị trấn Vĩnh Lộc và một số xã ven sông Gâm với khoảng 50-100 lồng/năm.
Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển thủy sản trên địa bàn, huyện Chiêm Hóa đã và đang triển khai thực hiện thí điểm nhiều dự án chăn nuôi thủy sản, đưa vào nhiều con giống có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao vào nuôi trồng như: Nuôi cá chép ruộng vụ đông, nuôi cá xen lúa vụ xuân, nuôi cá Rô phi đơn tính, cá Bỗng, cá Chiên… Từ những mô hình nhỏ, không được đầu tư bài bản, cho lãi thấp thì đến nay, trên địa bàn huyện ngày càng xuất hiện những mô hình nuôi thủy sản lớn, mang tính tập trung, thu lãi cao và ổn định, góp phần cải thiện đời sống, xóa đói, giảm nghèo…
Gia đình anh Quan Văn Ban, thôn Nặm Bún xã Hà Lang hiện có trên 3.000 m2 diện tích mặt nước. Được biết, diện tích ao này trước đây gia đình anh trồng lúa nhưng kém hiệu quả do nằm trong khe, thiếu ánh sáng nên anh quyết định chuyển đổi sang đào ao thả cá. Trên diện tích ao nuôi của nhà mình anh nuôi các loại cá trắm, chép, trôi, mè... nhằm tận dụng tối đa tập tính của từng loài. Anh Ban cho biết, nuôi cá cũng không khó và vất vả lắm, chỉ cần cho ăn đầy đủ và chú ý phòng bệnh là cá sinh trưởng và phát triển rất nhanh. Mỗi năm, chỉ tính riêng từ nuôi cá cũng cho gia đình anh thu nguồn thu nhập trên 50 triệu đồng.
Từ năm 2011 trở lại đây, hồ thủy điện Chiêm Hóa bắt đầu tích nước với tổng diện tích mặt hồ là 446,57 ha, là một điều kiện lý tưởng để phát triển chăn nuôi thủy sản. Huyện đang khuyến khích các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong và ngoài huyện đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản tại vùng lòng hồ. Trong đó, ưu tiên nuôi trồng thủy sản theo hình thức kinh tế hộ gắn với chế biến, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm; nuôi các loài cá đặc sản nhằm tăng giá trị kinh tế, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân. Năm 2013, huyện đã thực hiện nuôi thí điểm 18 lồng cá Bỗng tại xã Yên Lập với hình thức hỗ trợ người dân về giống và một phần về thức ăn; tổ chức tập huấn về kiến thức khoa học kỹ thuật, cách chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho cá đối với các hộ tham gia dự án. Sau một thời gian nuôi thử nghiệm cho thấy cá sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với điều kiện của địa phương có khả năng mở rộng quy mô chăn nuôi. Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục cho các hộ dân đăng ký tham gia nuôi dự án nuôi cá đặc sản trong đó ưu tiên các hộ có diện tích đất bị thu hồi làm thủy điện Chiêm Hóa.
Ông Nguyễn Văn Phủ, thôn Nà Tiệng, xã Yên Lập là một trong những hộ dân tham gia dự án nuôi thí điểm cá Bỗng. Ngoài được hỗ trợ về con giống, một phần thức ăn... gia đình ông đã tự đầu tư đóng 3 lồng sắt nuôi cá với tổng trị giá trên 70 triệu đồng. Ông Phủ cho biết: Nuôi cá Bỗng không quá khó bởi đây là loài trước đây sống rất nhiều ngoài tự nhiên dọc theo sông Gâm và các con suối trên địa bàn nhưng do đánh bắt nhiều nên loại cá này ngày càng trở nên hiếm. Cá Bỗng là loài ăn tạp nhưng lại cần sống ở nơi có nguồn nước sạch nên lồng nuôi cần được bố trí hợp lý, nơi có nguồn nước không bị ô nhiễm. Sau một thời gian nuôi, 3 lồng cá Bỗng với số lượng trên 600 con của gia đình phát triển tốt, tăng trưởng nhanh về trọng lượng hứa hẹn đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.