Trong những năm gần đây, vấn đề bảo tồn thiên nhiên, đặc biệt là triển khai thiết lập các khu bảo tồn biển đã được Chính Phủ và các Bộ, Ngành quan tâm. Tuy nhiên cho đến nay, mạng lưới các khu bảo tồn biển vẫn chưa được hình thành. Hầu hết các hoạt động bảo tồn biển mới mang tính chất địa phương, chưa có hệ thống mà nguyên nhân là do sự chồng chéo trong văn bản luật quy định về quản lý các khu bảo tồn biển.
Hiện cả nước có 5 khu bảo tồn biển độc lập và 4 khu bảo tồn thiên nhiên thuộc hệ thống rừng đặc dụng có hợp phần bảo tồn biển. Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: So với 5 khu bảo tồn biển độc lập thì 4 khu bảo tồn biển thuộc hệ thống 4 rừng quốc gia là Vườn Quốc gia Cát Bà (Hải Phòng), Vườn Quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận); Vườn Quốc gia Côn Đảo (Vũng Tàu), Vườn Quốc gia Bái Tử Long(Quảng Ninh) là được quản lý tốt.
Bởi 4 khu bảo tồn này nằm trong mạng lưới khu bảo tồn quốc gia nên nhận được nguồn kinh phí và tài trợ tốt từ Trung ương, địa phương và các tổ chức phi Chính phủ. Các khu bảo tồn này đều có bộ phận chuyên trách cho việc kiểm soát và tuần tra cả phần biển. 5 khu bảo tồn biển độc lập còn lại hiện đang được các địa phương quản lý nên gặp nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Cục Thủy sản phân tích: “Khu bảo tồn biển, thực ra quản lý đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ hệ sinh thái của khu vực ấy. Việc chồng chéo quản lý gây nhiều khó khăn như kinh phí đầu tư không đồng bộ cho các khu bảo tồn biển vì mỗi địa phương có cách quản lý khác nhau. Việc không thống nhất như thế dẫn đến việc chỉ đạo điều hành cũng như là xây dựng các văn bản hướng dẫn thì cũng gặp nhiều khó khăn dẫn đến việc quản lý, giám sát gặp nhiều bất cập”.
Nguyên nhân vấn đề này là do chưa có sự thống nhất trong quản lý các khu bảo tồn biển từ Trung ương đến địa phương. Chính sự khác biệt trong quản lý các khu bảo tồn tại từng địa phương dẫn đến “mạnh ai nấy làm”. Trong khi đó, lại chưa có văn bản hỗ trợ tiêu chuẩn, định mức kỹ thuật cho đầu tư xây dựng 1 khu bảo tồn biển cấp Quốc gia và cấp tỉnh. Nên khi các tổ chức quốc tế rút nguồn tài trợ thì 5 khu bảo tồn biển độc lập chỉ trông chờ ngân sách địa phương. Do thiếu nguồn kinh phí nên Ban quản lý các khu bảo tồn biển chỉ hoạt động cầm chừng; Lực lượng quản lý mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc dẫn đến hiệu quả kém. Đồng thời, sự chồng chéo trong văn bản quy phạm pháp luật cũng khiến việc mở rộng các khu bảo tồn và quản lý gặp vướng mắc.
Ông Đỗ Ngọc Vinh, Chi Cục trưởng, Chi Cục biển và hải đảo Quảng Ngãi cho biết: “Vấn đề tôi quan tâm là việc tổ chức quản lý các khu bảo tồn biển. Hiện nay Luật thủy sản quy định về quản lý khu bảo tồn biển và luật đa dạng sinh học cũng quy định về quản lý bảo tồn biển. Như vậy, hai luật này quy định quản lý về măt chuyên ngành thì phải làm rõ việc rằng việc quản lý các khâu bảo tồn biển thì luật nào quy định và văn bản hướng dẫn luật nào, cụ thể chứ dừng để chồng chéo giữa 2 luật thủy sản và đa dạng sinh học”.
Theo quy hoạch, từ năm 2010-2015 có 16 khu bảo tồn biển, chiếm 0,24% diện tích biển Việt Nam. Giai đoạn tiếp theo 2016-2020 sẽ tập trung vào mở rộng mạng lưới các khu bảo tồn biển Việt Nam, đảm bảo đến hết 2020 sẽ có trên 20 khu bảo tồn biển được thành lập và đi vào hoạt động.
Tiến sỹ Đoàn Quang Sinh, Giám đốc trung tâm đào tạo và truyền thông biển và hải đảo, Tổng cục biển và hải đảo Việt Nam cho rằng, để phát triển hệ thống khu bảo tổn biển bền vững, cần kiện toàn tổ chức quản lý khu bảo tồn biển theo hướng phân cấp nhiều hơn cho địa phương, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật từ cơ quan Trung ương và tổ chức quốc tế. Nơi nào thuận lợi, có thể “ghép” các ban quản lý, tránh chồng chéo và phân tán nguồn lực để khai thác tốt hơn các lợi ích từ khu bảo tồn biển.
Tiến sỹ Đoàn Quang Sinh cho rằng: “Nhanh chóng, hoàn thiện và ban hành các văn bản pháp luật về việc xây dựng và quản lý các khu bảo tồn biển Việt Nam. Các văn bản này cần được hướng dẫn cụ thể, phổ biến rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân Tuyên truyền để, vận động và tạo mọi điều kiện cho cộng đồng nhân dân tham gia bảo vệ các khu bảo tồn khi các lực lượng chuyên trách quản lý khu bảo tồn hiện này còn hạn chế".
Quy hoạch, quản lý hệ thống các khu bảo tồn biển Việt Nam nhằm bảo vệ, bảo tồn nguồn thủy sản, môi trường sinh thái biển là điều kiện để Việt Nam xây dựng thương hiệu biển và phát triển kinh tế biển bền vững. Vì vậy đưa ra cách thức quản lý khu bảo tồn biển thống nhất từ Trung ương đến địa phương là điều kiện để Việt Nam phát triển xứng tầm với các nước trong khu vực./