Cà Mau là tỉnh có diện tích nuôi trồng thuỷ sản lớn nhất nước. Kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản cũng lớn nhất nước. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản của tỉnh đang đối mặt với nạn bơm chích tạp chất từ nhiều năm nay. Thường mỗi ký tôm sau khi bơm tạp chất tăng thêm trọng lượng từ 10% - 20%, tăng lợi nhuận lên từ 20.000 - 25.000 đồng.
Hầu hết tôm bơm tạp chất đều được bán cho một số đối tượng ở Trung Quốc. Việc này không những làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn làm giảm uy tín và chất lượng của hàng xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trên thương trường quốc tế.
Tính từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra phát hiện 5 vụ bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu, thẩm tra loại bỏ tạp chất và xử lý phạt tiền gần 150 triệu đồng.
Ông Phạm Thế Tài, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT, cho biết, số vụ việc bị phát hiện rất ít so với thực tế vụ việc vi phạm. Hầu hết các vụ tôm có chứa tạp chất bị phát hiện, xử lý chủ yếu là đang trên đường vận chuyển, một số ít tại cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu nhỏ lẻ; chưa phát hiện và xử lý tận gốc các tụ điểm bơm chích tạp chất tại địa phương. Từ trước đến nay, chưa phát hiện, xử lý được tụ điểm bơm chích nào tại các địa phương với số lượng lớn. Bơm tạp chất thậm chí còn diễn ra ở những doanh nghiệp lớn. Khi bị phát hiện, họ được bao che, cản trở nên khó xử lý. Có nhiều doanh nghiệp công khai công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng “nói không với tôm tạp chất”, thì sau đó lại bị các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ nhiều lô hàng có tạp chất.
Là người dân gắn bó với nghề nuôi tôm gần 20 năm, ông Phan Việt Ảnh, ấp Sở Tại, xã Thạnh Phú, huyện Cái Nước, cho rằng, giá tôm nguyên liệu thiếu ổn định trong thời gian qua một phần do nạn bơm chích tạp chất. Nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu tập trung chủ yếu ở những điểm thu mua, sơ chế nhỏ lẻ, chứ người nuôi hoàn toàn không bơm. Giá tôm không ổn định do nhà máy, xí nghiệp thu mua đã tính trừ các khoản chi phí trong chế biến loại bỏ tạp chất, người chịu thiệt thòi vẫn là người nông dân. Bởi hiện nay, khi phát hiện tôm có chứa tạp chất, không huỷ bỏ lô hàng, mà chỉ xử lý loại bỏ tạp chất.
Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thuỷ sản và Xuất khẩu tỉnh Cà Mau (CASEP) Ngô Thành Lĩnh cho biết, nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu đang ảnh hưởng đến uy tín và sự cạnh tranh của con tôm Việt Nam trên trường quốc tế. Thời gian qua, có những lô hàng bị phát hiện trả về do bị nhiễm tạp chất và chất kháng sinh. Ðể phòng chống có hiệu quả vấn nạn này, cần có sự phối hợp từ ngành chức năng với doanh nghiệp từ địa phương này với địa phương khác và trên cả nước, đồng thời có những chế tài xử lý mạnh các vụ đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu.
"Một điểm khó nữa trong công tác phòng, chống bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu là sự phối hợp kiểm tra, ngăn chặn xử lý… chưa đồng bộ từ giữa các tỉnh, các địa phương giáp ranh và giữa các cơ quan quản lý. Do đó, khi ngăn chặn ở tỉnh này, các đối tượng lại di chuyển sang tỉnh khác, làm tình hình thêm phức tạp. Có trường hợp, khi bắt giữ hàng bơm chích tạp chất nhưng không ai đứng ra nhận và hàng trở nên vô chủ. Thậm chí, người dân cũng không vào cuộc cùng chính quyền. Kinh phí cho hoạt động ngăn chặn bơm chích tạp chất cũng rất hạn chế. Lực lượng tiến hành mỏng, kiêm nhiệm nhiều việc nên thực hiện không được liên tục, chặt chẽ", ông Phạm Thế Tài cho biết thêm./.