Chống sạt lở ven biển ở Cà Mau

Mùa mưa này, cũng như nhiều địa phương ven biển, Cà Mau lại đối mặt tình trạng sạt lở, cuốn trôi rừng phòng hộ... Chính quyền và người dân nơi cực nam Tổ quốc đã linh hoạt, dùng nhiều cách thức, khắc chế sự tàn phá của sóng dữ.

sóng biển đánh vỡ bờ
Vuông tôm của người dân ấp Sào Lưới (xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân) bị sóng biển đánh vỡ bờ bao.

Không khuất phục

Xóm biển Sào Lưới ngày giữa tháng 7, trời bỗng dưng tối sầm. Đám trẻ mải mê theo chân người lạ ghi hình, thấy mưa, tất tả chạy về trên chiếc cầu gỗ - con đường duy nhất của xóm nghèo. Có em bất cẩn bị gió thổi, trượt chân rớt xuống nước, mình mẩy lấm lem. Trong căn nhà sát biển, ông Nguyễn Văn Lanh, 67 tuổi, bưng vội mâm cơm lên sàn cao, né sóng. "Bữa trước cũng mưa vầy, mải lo cái mẻ cá kho quẹt mà sóng đánh úp lên tận sàn, đổ hết cơm, canh" - ông Lanh nói.

Nơi ông Lanh và lũ trẻ sinh sống thuộc ấp Sào Lưới của xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân. Không đường, không trường, không trạm y tế và biệt lập với dân cư trong vùng, nên cư dân địa phương gắn cho cái tên "xóm đảo". Dòng di dân không đất canh tác, quần tụ về xóm này dựng nhà sàn, ngày ngày giăng lưới và làm thuê cho ghe biển. Thâm niên nhất là ông Lanh, từ ngày bỏ quê định cư ở đây, ngót nghét cũng hơn 25 năm. Xóm có hơn 20 gia đình, phần lớn do tách khẩu từ hộ gốc. Ông Lanh, có năm người con, dựng vợ gả chồng, tiếp tục quần tụ, nối gót nghề chài lưới.

Mùa mưa năm trước, cữ tháng 8 âm lịch, trong đêm tối biển bất ngờ nổi sóng. Ông Lanh và người thân chỉ kịp thoát khỏi căn nhà khi chúng đổ sập. Đó cũng là lần thứ ba trong vòng chưa đầy 10 năm, ông Lanh phải cất lại nhà vì thiên tai.

Theo quan sát của chúng tôi, suốt tuyến từ Rạch Xẻo Sâu (xã Rạch Chèo) đến Cái Đôi Nhỏ (thị trấn Cái Đôi Vàm) do Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Sào Lưới quản lý, chiều dài 20 km, bờ biển bị khoét sâu như hình răng cưa, những cây mắm, đước gần chục năm tuổi bị sóng bứng bật gốc, nằm la liệt. Con đê bề ngang 10m, để chắn sóng, bảo vệ rừng phòng hộ và hàng nghìn ha đất nuôi thủy sản của hộ dân trong vùng bị sóng biển bào mòn, nhiều vạt rừng không còn một bóng cây. Phó Trưởng BQLRPH Sào Lưới Phan Tiến Bền cho biết: Nhiều lần, đơn vị thuê người đóng cọc, múc đất, trồng cây để "hàn đê", nhưng vẫn không giữ nguyên được đê. Giờ, sóng biển đánh vỡ nhiều đoạn, tổng chiều dài đê vỡ hơn 400 m.

Vì đê bị vỡ, nên mùa mưa năm 2014, nhiều vuông tôm của hộ dân ấp Sào Lưới bị sóng biển làm vỡ bờ bao.

Ông Võ Văn Đón, có vuông tôm 4,7 ha nằm sau đoạn đê vỡ cho hay, đã tiêu tốn hơn 20 triệu đồng thuê gia cố lại vuông tôm. Cùng thời gian ấy, ông di dời luôn căn nhà, giếng nước khoan lùi vô mé rừng. Cùng cảnh ngộ ông Đón, nhiều gia đình khác như ông Thái Văn Quây, Nguyễn Văn Thành, Lâm Văn Mãi... cũng phải đầu tư cả chục triệu đồng để gia cố vuông tôm bị sóng biển làm bể bờ bao. Trong khi chờ Nhà nước rót kinh phí xây kè bảo vệ đê, ông Đón và những hộ dân này khẳng định, tiếp tục bám đất, bám làng, để sản xuất, nuôi trồng thủy sản, dùng mọi phương thức chống sóng dữ, không chịu khuất phục.

bờ kè ngầm
Kè ngầm tạo bãi ngăn sóng biển làm vỡ đê ở huyện U Minh.

Quyết bảo vệ đê biển

Nằm chót cùng cực nam Tổ quốc, ba bên tiếp giáp biển, với chiều dài bờ biển 254 km, có 87 cửa sông thông ra biển và khoảng 10.000 km sông, rạch, kênh, mương các cấp... nên Cà Mau là một trong những tỉnh ven biển của ĐBSCL dễ bị tổn thương do thiên tai hoặc biến đổi khí hậu. Theo khảo sát của các ban, ngành chức năng trong tỉnh, từ năm 2007 đến nay, khoảng 80% đường bờ biển Cà Mau bị sạt lở, bình quân mỗi năm khoảng 15m, có nơi đến 50m và diện tích rừng phòng hộ bị cuốn mất khoảng 300 ha/năm.

Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện U Minh Lê Thanh Triều cho biết: Tuyến đê phía tây bảo vệ đời sống, sinh hoạt, sản xuất của hơn 26.000 hộ dân và gần 129.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng hệ nước ngọt của U Minh và huyện lân cận Trần Văn Thời, vì vậy, khi đê vỡ, nước mặn ăn sâu vào nội đồng, hệ sinh thái nước ngọt sẽ không còn, rừng tràm U Minh hạ sẽ bị xóa sổ.

Theo dõi mùa mưa bão 2015, đến thời điểm này, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau Nguyễn Long Hoai nhận định: Sóng biển không lúc nào êm dịu, lăm le nuốt chửng đê phía tây. Tại Tân Thuận của huyện Đầm Dơi (giáp ranh huyện Đông Hải), sóng biển làm sập nhà, khiến hàng chục hộ dân làng chài ấp Lưu Hoa Thanh phải sơ tán. Hồi năm 2010, ngay Vàm Rạch Dinh, rừng phòng hộ còn vài chục mét, nhưng chỉ sau chừng một tháng trở lại thị sát, rừng bị mất gần hết.

Để khắc chế và bảo vệ an toàn cho tuyến biển Cà Mau, nhiều năm qua, tỉnh này ban bố tình trạng hộ đê khẩn cấp, sử dụng cả bộ đội, lực lượng biên phòng, dân quân tự vệ, các đơn vị chức năng và nhân dân địa phương.

Bằng nhiều nguồn vốn, năm năm gần đây, tỉnh đầu tư hơn 510 tỷ đồng tạm khắc phục sạt lở ven biển tại những điểm xung yếu, với tổng chiều dài hơn 17,2 km, bằng giải pháp kè bản nhựa, kè rọ đá, kè ngầm tạo bãi... Trong đó, giải pháp kè ngầm chắn sóng tạo bãi (đã và đang thực hiện chiều dài khoảng 8.000 m) rầy lại đai rừng, được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các ngành chức năng đánh giá là khá tối ưu. Khảo sát gần đây cho thấy, những đoạn kè ngầm hiện đất bùn đã lắng lọc và bồi tụ, cây rừng như mắm, đước đã tái sinh, phát triển tốt tươi. Với giải pháp này, sau chu kỳ năm năm sẽ làm tròn sứ mệnh tạo bãi và phục hồi rừng, khi đó kè ngầm được nhổ lên để tiếp tục cắm xa ra biển thêm 50m. Theo cách đó, rừng và đất lấn dần ra biển.

Tuy nhiên, trăn trở nhất hiện nay là kinh phí mỗi mét kè ngầm phải đầu tư từ 25 đến 30 triệu đồng. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Tô Quốc Nam chia sẻ: Trong điều kiện khó về vốn nên chúng tôi nghiên cứu giải pháp cắm cọc bê-tông xuống biển thưa hơn, thay vì bỏ đá hộc giữa các hàng cọc thì thả cừ tràm. Theo cách này, mỗi mét kè ngầm tạo bãi chỉ phải đầu tư 15 đến 20 triệu đồng. Bằng cách giảm chi phí xuống mức thấp nhất, cộng với sự tiếp sức của Trung ương, chúng tôi tin tưởng, trong tương lai gần sẽ khắc phục được những đoạn sạt lở đặc biệt xung yếu, bảo vệ an toàn tuyến đê ven biển.

Cà Mau có hơn 40.000m bờ biển bị sạt lở khá nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Nặng nhất là tuyến đê Biển Tây dài 108 km, hiện có hơn 5.100m chiều dài rừng phòng hộ còn rất mỏng, sạt lở ở mức cực kỳ nguy hiểm, nguy cơ phá vỡ đê bất cứ lúc nào. Đó là khu vực từ Bắc Hương Mai đến cống Tiểu Dừa (huyện U Minh), với chiều dài 2.350m; bờ nam cống Tiểu Dừa về phía bắc cống Hương Mai, chiều dài 2.650 m; bờ bắc cống Tiểu Dừa đến giáp ranh tỉnh Kiên Giang, chiều dài 107m.

Báo Nhân Dân, 25/07/2015
Đăng ngày 25/07/2015
Hữu Tùng
Môi trường

Những người gác đèn thầm lặng giữa biển khơi

Đối với những người đi biển, sau những ngày dài đánh bắt thuỷ sản trên biển, sau màn đêm đen bao phủ, khi họ nhìn thấy hải đăng tức là nhìn thấy nhà.

Người gác đèn hải đăng
• 14:38 27/01/2023

Cùng ngư dân vươn khơi, bám biển

"Trước lá cờ Tổ quốc, ngư dân chúng tôi đồng lòng, phấn đấu vượt qua sóng gió muôn trùng để vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước. Mọi khó khăn, vất vả rồi cũng qua đi, lá cờ Tổ quốc vẫn mãi tung bay trước mũi tàu, cùng ngư dân vươn khơi, bám biển"

trao cờ cho ngư dân
• 13:32 17/06/2022

Tư duy hướng biển

"Tư duy hướng biển” được xác định là cơ sở để phát triển kinh tế biển và xa hơn với nhiều lĩnh vực. Ở Quảng Nam, tâm thức biển không chỉ tồn tại trong hành trình lịch sử vùng đất mà hướng biển và làm chủ biển luôn là trăn trở...

biển đảo
• 16:57 07/06/2022

Yêu cầu Trung Quốc không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam

Trước thông tin cuộc tập trận kéo dài 10 ngày trên Biển Đông, Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, không có hành động làm phức tạp tình hình.

Lê Thị Thu Hằng
• 10:50 08/03/2022

Tình hình xâm nhập mặn cấp thiết ở khu vực miền Tây

Tình hình xâm nhập mặn ở miền Tây đang trở thành một vấn đề cấp thiết, đặc biệt là trong ngành thủy sản. Đợt xâm nhập mặn kéo dài đã gây ra những tác động nghiêm trọng đến sản xuất nuôi trồng thủy sản, đe dọa không chỉ nguồn cung lương thực mà còn đe dọa đến sinh kế của hàng triệu người dân nơi đây.

Xâm nhập mặn
• 09:46 27/03/2024

Cơ chế hoạt động của phương pháp xử lý nước thải bằng men vi sinh

Để cải thiện nguồn nước thải trong nuôi trồng thủy sản, ngày nay người nuôi sử dụng phổ biến các chế phẩm sinh học để phòng bệnh cho vật nuôi và cải thiện môi trường. Ngoài ra, phương pháp này còn góp phần đưa nghề nuôi thủy sản phát triển bền vững.

Ao nuôi
• 10:14 08/03/2024

Tác động tiêu cực từ việc đánh bắt cá bằng Xyanua

Đánh bắt cá bằng hóa chất, cụ thể ở đây là Xyanua là là phương pháp đánh bắt cá  thông qua việc rải các hóa chất xuống khu vực có cá và được cho là làm cá “hôn mê” để thuận tiện cho việc đánh bắt.  Đây là một việc rất nguy hiểm, vừa hủy hoại môi trường, vừa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng bởi Xyanua là chất cực độc, dễ dàng gây chết dù chỉ một lượng nhỏ.

Đánh bắt cá
• 11:18 06/03/2024

Thả con giống bồi hoàn đa dạng sinh học

Sáng ngày 6.3, Công ty CP cảng Quy Nhơn - chủ đầu tư dự án Đầu tư nâng cấp bến số 1- cảng Quy Nhơn đã thả 469.600 con giống thủy sản (cá chẽm, cua, tôm sú) để bồi hoàn đa dạng sinh học tại Ngã 3 sông Trường Úc (gần đập tràn Quy Nhơn 3, tổ 28, KV 4, phường Nhơn Bình, TP Quy Nhơn) và khu nước trước bến số 1 cảng Quy Nhơn với tổng kinh phí gần 74 triệu đồng.

Thả giống bồi hoàn sinh học
• 10:32 06/03/2024

Bạc Liêu: Tiến độ xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm

Tép Bạc đã phản ánh, năm 2023, tỉnh Bạc Liêu đứng đầu cả nước về sản lượng tôm nước lợ và kim ngạch xuất khẩu nhờ phát triển nuôi siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao. Bạn đọc muốn biết thêm tiến độ đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm nổi tiếng ở Bạc Liêu nên xin cung cấp thêm thông tin.

Khu nuôi tôm công nghệ cao
• 09:01 29/03/2024

Tập huấn ứng dụng công nghệ trong bảo quản cá ngừ đại dương

Chiều ngày 27.3, Hiệp hội Thủy sản Bình Định phối hợp với Liên hiệp các hội KHKT Bình Định và Chi cục Thủy sản ( Sở NN&PTNT) tổ chức tập huấn quy trình công nghệ khí nitơ nano trong bảo quản cá ngừ đại dương cho 50 ngư dân làm nghề câu cá ngừ trên địa bàn phường Tam Quan Bắc, TX Hoài Nhơn.

Cá ngừ
• 09:01 29/03/2024

Như thế nào để tôm được vận chuyển đúng cách?

Tôm cũng giống như các hàng hóa khác, phân loại theo nhu cầu của khách hàng mà được vận chuyển đến các nơi khác nhau, với hai giai đoạn cơ bản như tôm giống được vận chuyển từ các trại giống đến ao nuôi và tôm thương phẩm được vận chuyển đến các chợ đầu mối, nhà máy chế biến. Vậy cách nào để có thể vận chuyển chúng một cách an toàn, tiết kiệm mà vẫn hiệu quả nhất? Hãy cùng tìm hiểu dưới đây nhé!

Tôm đông lạnh
• 09:01 29/03/2024

Biện pháp hạ phèn hiệu quả nhanh chóng

Chắc chắn rằng việc ao nuôi bị nhiễm phèn không còn là điều quá xa lạ đối với những người nuôi trồng thủy sản. Phèn xuất hiện trong ao nuôi tôm sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hiệu suất và sản lượng của vụ nuôi.

Ao nuôi tôm bị nhiễm phèn
• 09:01 29/03/2024

Tôm đang trong ao bị thối đuôi: Nguyên nhân và cách điều trị

Tôm bị thối đuôi là một trong những bệnh nguy hiểm thường gặp ở tôm, đặc biệt là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Bệnh có thể gây ra tỷ lệ tử vong cao, ảnh hưởng đến năng suất và lợi nhuận của người nuôi.

Tôm thẻ thương phẩm
• 09:01 29/03/2024