Vụ xuân hè năm nay, huyện Nga Sơn phấn đấu thả nuôi 1.674 ha; trong đó nước mặn 890 ha, lợ 439 ha, nước ngọt 370 ha... Đến đầu tháng 2-2019, công tác cải tạo ao, đồng, lấy nước vào ao lắng... trên địa bàn huyện đã đạt hơn 90%. Tại các xã Nga Tân, Nga Tiến, Nga Thủy... các hộ NTTS đã chủ động cải tạo, tu bổ bờ ao và phát quang bụi rậm; kiểm tra các cống và xử lý những vị trí bị xói lở, rò nước..., chuẩn bị cho vụ NTTS mới. Đồng thời, khảo sát, lựa chọn các cơ sở uy tín cung cấp con giống có chất lượng. Để NTTS vụ xuân hè thắng lợi, UBND huyện Nga Sơn chỉ đạo các xã đưa 100% diện tích NTTS vào nuôi đa con, đa canh và đa thời vụ. Đối với một số nơi có điều kiện, mở rộng diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.
Theo kế hoạch, vụ xuân hè năm 2019 toàn tỉnh thả nuôi 19.000 ha; trong đó, nuôi nước mặn, lợ 5.361 ha; nước ngọt 13.476 ha, phấn đấu đạt sản lượng 57.340 tấn thủy sản. Đến nay, toàn tỉnh đã cải tạo được hơn 80% tổng diện tích NTTS. Hiện các trại sản xuất giống thủy sản trong tỉnh đã chủ động sản xuất khoảng 500 triệu con giống cá truyền thống và 3 cơ sở sản xuất giống nước mặn, lợ đang tập trung sản xuất giống kịp thời cung cấp cho người nuôi trong vụ xuân hè. Ngoài ra, các trại giống di ương khoảng 900 triệu con tôm sú và tôm thẻ chân trắng giống; giống cua xanh, cá lóc, rô đồng để phục vụ người nuôi trong tỉnh.
Để vụ nuôi xuân hè đạt được hiệu quả kinh tế cao nhất và thực hiện thắng lợi kế hoạch nuôi thủy sản năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tập trung chỉ đạo hoạt động sản xuất và cung ứng giống bảo đảm chất lượng, thời vụ với giá cả hợp lý. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể công tác cải tạo ao đầm đối với từng đối tượng nuôi, khung thời vụ nuôi. Tiếp tục triển khai quản lý sản xuất, kinh doanh con giống và NTTS đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh giống, thức ăn, thuốc phòng và chống bệnh cho các đối tượng nuôi. Các địa phương tiếp tục tập trung phát triển NTTS theo hướng bền vững, tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật để tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm; hạn chế nuôi nhỏ lẻ; đẩy mạnh phát triển nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại. Với tôm thẻ chân trắng, chỉ tập trung phát triển nuôi thâm canh, đáp ứng đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, vốn và nuôi trong vùng được định hướng.
Đối với các loại nuôi nhuyễn thể, xây dựng và triển khai chương trình nuôi có kiểm soát, chọn thời điểm thả giống thích hợp để bảo đảm năng suất cao. Ở vùng nước ngọt, cùng với nuôi thả các đối tượng nuôi truyền thống, phát triển các giống nuôi có giá trị kinh tế cao như cá diêu hồng, rô phi đơn tính... Áp dụng rộng rãi tiêu chuẩn VietGAP trong NTTS, xây dựng và nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tập trung. Thực hiện và kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng nuôi, nhất là các dự án phát triển nuôi trồng. Tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh, sử dụng các hóa chất, thuốc thú y thủy sản và các chế phẩm sinh học trong NTTS. Thực hiện tốt công tác thống kê và dự báo về tình hình sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm để xây dựng kế hoạch sản xuất và quản lý chất lượng.