Môi trường nước ngày càng nhiều nguy cơ ô nhiễm, gây tác động xấu đến con nuôi thủy sản. Cùng với đó thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, nhiệt độ thường xuyên thay đổi đột ngột khiến con nuôi bị sốc nhiệt, giảm sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh dễ dàng xâm nhập. Chính vì vậy, người nuôi thủy sản luôn phải chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt chú trọng thực hiện tốt công tác vệ sinh, cải tạo ao đầm trước khi thả giống, xử lý tốt nguồn nước trong suốt quá trình nuôi; cải tạo hệ thống mương cấp, thoát nước; quản lý, xử lý tốt chất thải đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt đối với những trường hợp ao nuôi có dịch không được xả thải trực tiếp nước từ ao nuôi chưa qua xử lý ra môi trường. Do tăng cường công tác chỉ đạo, tuyên truyền nên nhìn chung các hộ nuôi luôn cố gắng chấp hành nghiêm túc, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật và mùa vụ nuôi theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Chị Trần Thị Thu tại xóm 18, xã Giao Thiện (Giao Thủy) có 1ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Chị luôn tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo kỹ thuật của xã, huyện về nuôi tôm để có được những biện pháp tốt nhất giúp con nuôi luôn phát triển khỏe mạnh. Thời điểm này, chị đang tập trung cải tạo đầm nuôi để chuẩn bị thả tôm. Ao đầm được bơm cạn nước, nạo vét bùn. Chị vui vẻ trò chuyện với chúng tôi: “Với kinh nghiệm nhiều năm nuôi tôm, gia đình tôi hiểu rõ khâu cải tạo ao trước, sau mỗi vụ nuôi rất quan trọng để hạn chế dịch bệnh xảy ra và nâng cao năng suất tôm. Bên cạnh đó, trong quá trình nuôi, gia đình tôi luôn sử dụng thuốc, hóa chất được phép và chỉ sử dụng khi cần thiết, không lạm dụng”. Nhờ luôn chủ động trong việc phòng bệnh cho tôm và thực hiện đúng hướng dẫn, chỉ đạo của các cán bộ chuyên môn nên trung bình hằng năm hộ nuôi của chị Thu thu hoạch được 6 tấn tôm thẻ chân trắng. Tại các địa phương có thế mạnh nuôi thủy sản nước ngọt lớn như Mỹ Lộc, Trực Ninh, Vụ Bản… công tác phòng chống dịch bệnh cho con nuôi cũng được chú trọng và đẩy mạnh. Ngay từ đầu vụ nuôi, UBND huyện Trực Ninh đã có công văn chỉ đạo các xã, các hộ nuôi về công tác phòng, chống dịch bệnh cho các con nuôi thủy sản. Huyện đã tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyển giao kỹ thuật phòng chống dịch bệnh cho người nuôi, người sản xuất, kinh doanh con giống. Ngoài môi trường ao nuôi, chất lượng con giống cũng là yếu tố quan trọng quyết định con nuôi có phát triển khỏe mạnh hay không. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm soát chặt chẽ số lượng, chất lượng con giống; tăng cường công tác kiểm dịch động vật thủy sản theo đúng quy định, kiểm soát chặt chẽ từng lô hàng; quản lý và thực hiện tái kiểm dịch đối với con giống thủy sản nhập từ tỉnh ngoài đồng thời quản lý vật tư, hóa chất, thuốc thú y thủy sản, thức ăn, chất xử lý môi trường lưu thông trên thị trường. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, cơ sở nuôi thủy sản, cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản theo quy định; kiên quyết đình chỉ hoạt động đối với những cơ sở không đảm bảo điều kiện. Chi cục Thú y triển khai các đợt tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng quản lý, sản xuất, phòng, chống dịch bệnh cho các tổ chức, cá nhân nuôi thủy sản; trang bị nâng cao nghiệp vụ thú y thủy sản cho cán bộ, thú y cơ sở. Sở NN và PTNT cũng tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; triển khai thực hiện quy hoạch phát triển cơ sở, vùng nuôi an toàn. Hộ nuôi của ông Nguyễn Văn Dương, xóm 3, xã Trực Đạo (Trực Ninh) chủ yếu nuôi những loại cá truyền thống như cá trắm, cá trôi, cá mè… Ông Dương cho biết để đảm bảo chất lượng con nuôi thì vấn đề con giống cũng cần phải được chú trọng, phải chọn con giống tốt, không bị mầm bệnh, đồng đều về kích cỡ, bơi lội nhanh nhẹn, không bị dị hình và nên mua giống tại các cơ sở uy tín. Ông luôn đặt phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh” lên hàng đầu. Đàn cá luôn được ông cho ăn đầy đủ, không để cá bị đói, tăng cường bổ sung các loại vitamin B, C vào thức ăn để cá có thêm sức đề kháng, đặc biệt là trước thời gian chuyển mùa và trong mùa dễ phát bệnh. Trước mỗi vụ nuôi, ông đều vệ sinh ao nuôi rất kỹ bằng vôi bột. Định kỳ hằng tháng ông rắc vôi bột 2-3 lần và sử dụng thêm chế phẩm sinh học để ổn định môi trường nuôi.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới, Sở NN và PTNT cùng các cơ quan chức năng tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, nâng cao ý thức chủ động phòng, chống dịch bệnh cho con nuôi của các hộ dân, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng khác trong việc lấy mẫu kiểm tra các chỉ tiêu môi trường, dịch bệnh, chấp hành nghiêm túc, đầy đủ các quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh trong nuôi thủy sản. Đây là những yếu tố quan trọng giúp ngành kinh tế nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.