Năng suất, sản lượng tăng
Ông Man Thống Nhất, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản thuộc Sở NN&PTNT, cho biết: Năm 2015, trong điều kiện hạn hán kéo dài, nhưng nhờ thực hiện tốt lịch thời vụ nuôi tôm, giảm mật độ nuôi, chuyển đổi và đa dạng hóa đối tượng nuôi, nên diện tích tôm nuôi bị dịch bệnh trên địa bàn tỉnh giảm mạnh, năng suất, sản lượng tôm tăng khá. Trong năm, toàn tỉnh đã thả nuôi tôm trên diện tích 2.395 ha mặt nước; trong đó, nuôi theo phương thức thâm canh - bán thâm canh (TC-BTC) với đối tượng tôm thẻ chân trắng (TTCT) 858 ha, nuôi theo phương thức tổng hợp (nuôi xen tôm - cua - cá) 1.537 ha. Sản lượng tôm nuôi năm 2015 đạt 6.383 tấn, tăng 6,4% so với kế hoạch.
Theo ông Phạm Quang Ân, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, năm 2015, toàn huyện đưa gần 994 ha mặt nước vào nuôi trồng thủy sản; trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ 967 ha, gồm 100 ha nuôi TC-BTC; diện tích còn lại nuôi quảng canh cải tiến, nuôi ghép với các đối tượng thủy sản khác theo phương thức “đánh tỉa, thả bù”. Nhờ chú trọng nuôi tôm theo hướng thân thiện với môi trường, sản lượng nuôi tôm toàn huyện cả năm đạt 1.482 tấn, tăng 2,7% so với năm trước. Riêng năng suất tôm nuôi bình quân trên địa bàn huyện đạt trên 1 tấn/ha, tăng 1,7%, sản lượng tôm đạt 1.003 tấn, tăng 2,3%; các loại thủy sản khác 284 tấn, tăng 2,1%.
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, để đạt được hiệu quả như vậy là nhờ cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh được Nhà nước từng bước đầu tư đồng bộ, nhất là đưa các tuyến kênh cấp nước ngọt vào sử dụng; công tác khuyến ngư được tăng cường. Ngay từ đầu vụ, ngành chức năng đã tổ chức tập huấn kiểm soát và phòng chống dịch bệnh tôm; xây dựng, chuyển giao nhiều mô hình nuôi tôm thân thiện với môi trường. Chi cục Thủy sản cũng đã phối hợp với các địa phương thành lập Ban quản lý nuôi trồng thủy sản vùng nuôi an toàn sinh học và xây dựng quy ước cộng đồng tại các vùng nuôi tôm thường xuyên xảy ra dịch bệnh.
Khuyến cáo thực hiện nuôi tôm bền vững
Vụ nuôi tôm năm 2016, với dự báo hoạt động nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất lợi, hiện tượng Elnino kéo dài làm thiếu nguồn nước ngọt, người nuôi tôm thiếu vốn đầu tư, dịch bệnh tôm nuôi diễn biến phức tạp… ngành Nông nghiệp sẽ tăng cường công tác quản lý dịch bệnh tại các vùng nuôi, giảm mật độ thả giống và kết hợp nuôi xen tôm với các loại đối tượng thủy sản khác nhằm cải thiện môi trường nuôi và hạn chế dịch bệnh xảy ra.
Ông Man Thống Nhất cho biết: Theo kế hoạch, năm 2016 toàn tỉnh sẽ thả nuôi tôm trên diện tích 1.874 ha mặt nước, kế hoạch sản lượng là 6.300 tấn. Theo lịch thời vụ, vụ nuôi tôm năm nay sẽ chính thức xuống giống vào giữa tháng 2 đối với các vùng nuôi tôm trên cát, vùng cao triều chủ động nguồn nước cấp và xả thải, các vùng nuôi còn lại bắt đầu từ đầu tháng 3. Nhằm trang bị cho người nuôi tôm trong tỉnh các kiến thức KHKT về nuôi tôm, hạn chế đến mức thấp nhất các loại dịch bệnh, Chi cục Thủy sản đang phối hợp với chính quyền các địa phương tổ chức tập huấn về lịch thời vụ nuôi tôm, cải tạo hồ nuôi, chuẩn bị nguồn tôm giống chất lượng...
Chi cục cũng đã phối hợp với Chi cục Thú y kiểm tra nguồn tôm giống; yêu cầu chủ cơ sở sản xuất tôm giống phải kiểm dịch tôm giống nghiêm ngặt trước khi xuất bán; khuyến cáo người nuôi tôm nên chọn mua con giống chất lượng tốt tại các cơ sở sản xuất tôm giống có uy tín. Tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh các loại vật tư thủy sản, kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đảm bảo chất lượng.
Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản, để việc nuôi tôm đạt hiệu quả cao, mang tính bền vững, người nuôi tôm phải thực hiện các giải pháp nuôi tôm đồng bộ, thực hiện đúng lịch thời vụ quy định. Cần xây dựng, duy trì các tổ nuôi tôm cộng đồng ở các vùng nuôi tôm nhằm tăng cường sự hỗ trợ trong sản xuất, cùng nhau phát hiện sớm dịch bệnh để dập tắt kịp thời; thực hiện việc thả tôm giống đạt chất lượng. Các vùng nuôi TTCT trong năm trước bị dịch bệnh, năm nay nên chuyển sang nuôi tôm sú xen với các đối tượng thủy sản khác. Vài vụ nuôi tôm gần đây, bệnh chết sớm trên tôm có chiều hướng giảm nhưng bệnh đốm trắng lại có xu thế gia tăng, người nuôi tôm cần lưu ý và có giải pháp đề phòng dịch bệnh xảy ra.
Về mật độ nuôi, tùy theo điều kiện cụ thể từng vùng, điều chỉnh phù hợp và nằm trong khung mật độ hướng dẫn của lịch thời vụ. Trước khi thả nuôi thương phẩm, nên ương tôm từ 20-30 ngày. TTCT ương từ cỡ giống post 12; tôm sú ương từ cỡ giống post 15. Theo dõi chặt kết quả phân tích mẫu quan trắc môi trường tại từng vùng nuôi để có sự điều chỉnh về kỹ thuật nuôi cần thiết. Bên cạnh tôm, nên thả thêm cá rô phi đơn tính, cá chua để ăn chất thải của tôm và thức ăn dư thừa, tạo môi trường nuôi được tốt hơn. Đối với những vùng thường xảy ra dịch bệnh, nên thả nuôi tổng hợp tôm, cua, cá.
Ngoài ra, ngành chức năng cũng đã chủ động điều chỉnh lịch thời vụ thả tôm năm nay muộn hơn mọi năm, nhằm tránh thời tiết bất lợi; khuyến khích nuôi 1 vụ tôm ăn chắc, nuôi 2 vụ chỉ áp dụng đối với các vùng nuôi tôm trên cát và những nơi chủ động nguồn nước.