Sản phẩm Halal là sản phẩm được xác nhận không có các thành phần Haram (bị cấm) và đảm bảo sự "tinh khiết" trong quá trình sản xuất.
Các loại hình sản phẩm yêu cầu chứng nhận Halal: thực phẩm, mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc cá nhân, dược phẩm, sản phẩm hóa học, chế phẩm sinh học phụ gia, thức ăn chăn nuôi, bao bì, dịch vụ nhà hàng, Logistic.
Các tổ chức chứng nhận Halal trên thế giới gồm: Jabatan Kemajuan Islamic Malaysia – JAKIM; Majelis Ulama Indonesia – MUI; GCC Accreditation Center -GAC (GCC – Gulf Cooperation Council bao gồm các quốc gia:
UAE, Ả Rập Xê Út, Oman, Qatar và Kuwait, Yemen.
Hiện HCA là tổ chức Halal duy nhất tại Việt Nam được công nhận năng lực quốc tế.
Để đạt được chứng nhận Halal, sản phẩm không được pháp chứa các thành phần HARAM bị cấm sau: Thịt heo, thịt chó; Các loại động vật trên cạn khác (gà, bò, cừu,..) không được giết mổ bởi người Hồi Giáo; Các loại động vật lưỡng cư, chim- thú ăn thịt, các loại gây hại hoặc động vật có nọc; Đồ uống chứa chất gây say như bia, rượu hoặc sản phẩm phụ của nó; Thực phẩm biến đổi Gen (GMF) có chứa các gen của động vật không phải là Halal.
Các nguyên liệu (chưa qua chế biến) được coi là Halal bao gồm: Thực vật, Thủy hải sản, Trứng , Sữa tươi, Khoáng chất, Hóa chất tổng hợp.
Nguyên liệu đảm bảo Halal là một trong những điều kiện tiên quyết khi chứng nhận. Và DN phải luôn có đầy đủ các hồ sơ về thành phần nguyên liệu để làm rõ tình trạng Halal trước khi đưa vào sản xuất, bao gồm: Hồ sơ công bố chất lượng; Hồ sơ chi tiết kỹ thuật; Phiếu an toàn hóa chất; Chứng chỉ Halal (đối với nguyên liệu có nguy cơ cao). DN có biện pháp lựa chọn và kiểm soát nhà cung cấp đảm bảo nguyên liệu cho sản phẩm Halal đạt các yêu cầu luật Shari’ah .
DN cũng phải thành lập ban đảm bảo Halal, đối với các công có sản xuất sản phẩm liên quan đến thịt động vật trên cạn bắt buộc phải có nhân viên là người Hồi Giáo làm việc trong ban này. Địa điểm sản xuất phải được xây dựng, thiết kế tách biệt hoàn toàn và cách ly với khu vực sản xuất sản phẩm Haram (thịt heo, bia, rượu,…). Thiết bị, dụng cụ, máy móc, phương tiện hỗ trợ chế biến không được chứa hoặc tiếp xúc với các thành phần bị cấm và chỉ được sử dụng chế biến cho thực phẩm Halal.
Trong trường hợp muốn chuyển đổi dây chuyền sản xuất đã từng sản xuất liên quan đến thịt heo, bia rượu sang dây chuyền sản xuất Halal thì dây chuyền đó phải được làm sạch và tẩy rửa 7 lần bằng bùn, nước theo nghi thức Hồi Giáo.
Về vấn đề đóng gói và dán nhãn sản phẩm, vật liệu đóng gói không được làm từ nguyên liệu có nguồn gốc từ chất cấm. Thiết kế bao bì, hình dáng sản phẩm, tên sản phẩm không gây hiểu nhầm hoặc đi ngược lại các nguyên tắc của luật Shariah như: Đặt tên trùng hoặc đồng nghĩa với chất bị cấm ví dụ như Rượu Rum, Hamburger…; Bao bì không chứa những hình ảnh nhạy cảm hở hang.
Các DN được chứng nhận Halal có quyền: Quảng cáo sản phẩm đã được chứng nhận Halal trên các phương tiện thông tin đại chúng; Sử dụng Dấu Halal trên sản phẩm hoặc bao bì của sản phẩm đã được chứng nhận; Được sử dụng Chứng chỉ làm bằng chứng cho hồ sơ XK.
Bài trình bày của bà Nguyễn Thị Trà My - Văn phòng Chứng nhận Halal tại Hội thảo “Chứng nhận HALAL: Giấy thông hành cho Thủy sản xuất khẩu vào thị trường Hồi giáo” trong khuôn khổ Hội chợ Vietfish 2018.