Ông “vua tôm” Sáu Ngoãn (Võ Hồng Ngoãn) ở Bạc Liêu nổi tiếng cả nước nhờ liên tục “thắng đậm” với con tôm sú theo mô hình trang trại tôm sạch trong khi nhiều người phá sản. Doanh thu nuôi tôm của ông tăng từ 1 tỷ đồng năm 2007 lên 3,5 tỷ đồng năm 2011. Không ít người cho rằng ông nuôi tôm thành công là nhờ “hên”, thế nhưng sự thành công của ông không có yếu tố “hên” mà vì ông nuôi tôm như chính nuôi con ruột của mình, cùng ăn, cùng ở và hiểu con tôm của một nông dân gắn bó với con tôm. Ông đầu tư bài bản từng vụ nuôi, nghiên cứu kỹ từng cơn mưa, dòng nước, mùa gió để thả tôm. Ông nuôi theo quy trình sạch, thả mật độ thưa 7 - 9 con/m2, với diện tích 3 ha, hàng năm ông thu về hàng tỷ đồng, trong khi không ít người nuôi tôm phá sản. Là người vui tính, dễ gần nên ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bà con nông dân. Từ thành công con tôm, ông chung tay góp sức xây nhà tình thương, xây trường học, giúp đỡ người nghèo quê ông.
Từ gia đình nghèo, chịu khó bám đất làm ăn, ông Hồ Sáu (xã Tây Hòa, H. Trảng Bom, Đồng Nai) đã tích lũy xây dựng được trang trại 16 ha trồng đủ các loại cây lâu năm như cao su, mít nghệ, thanh long ruột đỏ… kết hợp với chăn nuôi heo rừng, nhím, cá sấu, bò sữa… Từ thực tế chăn nuôi, ông đã tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp chế biến thức ăn chuyên dùng dinh dưỡng cao cho bò sữa từ cỏ, vỏ đậu, hột mít, thân cây bắp, bã mía, vỏ dứa… Năm 2008, ông Sáu thành lập Công ty Việt Nông Lâm chuyên sản xuất thức ăn cho bò. Hiện nay, thức ăn dinh dưỡng cho bò sữa do ông Sáu chế biến cung cấp cho người chăn nuôi bò sữa khắp nơi, ngoài ra còn xuất khẩu. Khách hàng từ Nhật, Hàn Quốc đến tìm hiểu nhập thức ăn cho bò sữa với số lượng hàng ngàn tấn. Ông Sáu cho biết, do trong nước có nhiều nhà máy chế biến thức ăn cho tôm, cá, gà… nhưng ít thấy thức ăn cho bò hay dê, ngựa trong khi người dân vẫn nuôi nhiều. Từ đó, ông bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu, chế biến thức ăn “đặc chủng” cho con vật này. Ngoài thành công làm trang trại, sản xuất thức ăn, ông Sáu còn nổi tiếng với giống khoai mì cho năng suất cao do chính ông lai tạo với giống khoai mì từ Thái Lan. Hàng năm, doanh thu từ gia đình ông lên đến 10 tỷ đồng.
Là thương binh, sau khi giải ngũ ông Đặng Văn Hùng (xã Mỏ Công, H. Tân Biên, Tây Ninh) về với gia đình trong cảnh nghèo khó. Quyết tâm bám đất vươn lên nhưng gia cảnh ông nghèo túng, chỉ căn nhà lá không có giá trị gì, lại không đất, không vườn. Ông bàn với vợ bán đôi bông cưới mua miếng rẫy trồng khoai mì, mía, hàng ngày ông làm thuê nhưng cuộc sống vẫn nghèo. Lần nữa, ông quyết tâm tìm đất mới, và vùng Mỏ Công ông chọn định canh, thế nhưng tiền đâu mua đất lập nghiệp. Suy nghĩ mãi, ông đành nhờ đồng đội xưa giới thiệu cho ông thuê đất của Xí nghiệp 22/12 (tỉnh đội Tây Ninh) để trồng mì và mía. Đất “đãi” người, các vụ mùa của ông đều thu hoạch tốt, ông bắt đầu tích vốn sắm thêm máy móc làm dịch vụ xung quanh. Sau nhiều năm tích lũy, ông mạnh dạn vay thêm vốn ngân hàng mua đất trồng cây cao su. Đến nay ông đã có 40 ha cao su và thuê thêm 40 ha trồng mía, khoai mì và nuôi heo rừng. Thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm từ vườn cao su, mía, khoai mì, khi giá cao su liên tục tăng những năm qua giúp gia đình ông thêm nguồn tích lũy. Người lính nghèo năm xưa có cuộc sống sung túc, sắm xe hơi ngon lành nhưng ông vẫn nặng nợ với đất. Đi lên từ nghèo khó nên ông Hùng truyền đạt những kiến thức sản xuất, chăn nuôi giúp 15 hộ gia đình địa phương thoát nghèo và có nhiều đóng góp xây dựng nông thôn như làm đường, kéo điện hạ thế… và giải quyết việc làm cho 50 lao động thường xuyên.