"Bởi tôm sinh thái thương lái thu mua so với giá thị trường không hơn. Tôi mong rằng cần có cơ chế bảo vệ thương hiệu tôm sinh thái, giá phải cao hơn giá thị trường từ 15-20 ngàn đồng/kg", ông Tô Hoài Niệm, ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An, mong muốn.
Đến nay, những hộ nuôi sinh thái vẫn được hưởng một số quyền lợi nhất định, sản phẩm tôm sinh thái được Công ty Thuỷ sản Minh Phú bao tiêu sản phẩm, thu mua giá cao hơn so với thị trường khoảng 3 ngàn đồng/kg, đối với tôm loại 20 con/kg. Những hộ dân khi được chứng nhận diện tích nuôi sinh thái, được Công ty Minh Phú hỗ trợ mỗi héc-ta bằng con giống, khoảng 1 triệu đồng.
Đánh giá về hiệu quả của mô hình nuôi tôm sinh thái, Phó chủ tịch UBND xã Viên An Trần Hiếu Giang nhìn nhận, trên địa bàn xã hiện có 2 tổ hợp tác nuôi sinh thái, thu hút khoảng 100 hộ thực hiện. Phần lớn mô hình nuôi tôm sinh thái của xã từ đầu năm đến nay đạt sản lượng khá, dù không trúng đậm nhưng bình quân mỗi con nước hộ nuôi thu hoạch trên 10 triệu đồng. Trong khi đó, nhiều hộ nuôi tôm truyền thống bị thiệt hại do nắng nóng, ô nhiễm môi trường, con giống kém chất lượng.
Anh Nguyễn Minh Sil, ấp Nguyễn Quyền, xã Viên An, chia sẻ: "Qua những con nước đầu năm nhờ áp dụng mô hình nuôi tôm sinh thái sản lượng tôm có phần tăng lên. Với 3,5 ha đất chuyên nuôi tôm, năm 2018 chưa có đợt nào gia đình thu hoạch được 5 triệu đồng, hiện nay nhiều con nước trúng trên 15 triệu đồng".
Tuy vậy, những hộ nuôi tôm sinh thái vẫn còn nỗi lo. Về giá cả, con tôm sinh thái vẫn còn thấp so với công sức hộ nuôi bỏ ra. Theo Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển Lý Hoàng Tiến: "Hiện tôm sinh thái được Công ty Thuỷ sản Minh Phú thu mua dao động từ 280-300 ngàn đồng/kg, tuỳ vào thời điểm. Giá này vẫn còn thấp, nếu cao hơn thì hộ nuôi rất phấn khởi, mô hình nuôi sinh thái của huyện sẽ được phát huy, con tôm sinh thái sẽ xuất sang các thị trường khó tính".
Từ khi triển khai, mô hình nuôi tôm sinh thái đã được nông dân đồng thuận cao. Mục tiêu của huyện là sớm trở thành khu vực cung cấp nguồn tôm sinh thái nguyên liệu quan trọng của tỉnh Cà Mau.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ngọc Hiển Trần Minh Hoàng, việc quản lý tận gốc con tôm sinh thái hiện nay khó thực hiện bởi phụ thuộc hoàn toàn vào lương tâm, trách nhiệm của người thu mua. Tôm truyền thống khó có thể đánh giá bằng mắt thường, nếu tôm sinh thái trộn vào tôm nuôi truyền thống thì cũng thành sản phẩm sinh thái. Khi truy xuất sản phẩm, tôm nhiễm bệnh, tôm tạp chất thì người nuôi sẽ chịu thiệt thòi, đó là ảnh hưởng trực tiếp về uy tín, chất lượng những hộ nuôi tôm sinh thái.
Anh Tô Văn Lê, xã Viên An Đông, cho biết: “Nếu tôm sinh thái được thu mua cao hơn so với tôm truyền thống khoảng 10-15 ngàn đồng/kg, mỗi tháng hộ nuôi sẽ tăng thu nhập thêm gần 2,5 triệu đồng. Huyện Ngọc Hiển cần xây dựng thương hiệu độc quyền về sản phẩm tôm sinh thái vùng đất ngập mặn để người nuôi an tâm về thương hiệu, người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc của tôm thương phẩm sinh thái để chọn mua”.
Theo anh Mai Chí Thật, phụ trách khuyến nông - khuyến ngư xã, hiện nay tôm sú sinh thái của huyện Ngọc Hiển là thế mạnh. Hầu hết các công ty thu mua sản phẩm tôm sinh thái, khi xuất ra thị trường nước ngoài giá tăng gấp 3 lần so với tôm truyền thống. Nhưng tôm sinh thái hiện nay thu mua giá thấp, chưa có cơ chế bảo hộ con tôm sinh thái độc quyền, ranh giới lẫn tạp giữa tôm sinh thái với tôm đại trà còn mong manh.