Theo Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh hiện có khoảng hơn 280 ngàn héc-ta nuôi tôm và được xem là địa phương có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước. Trong đó, hơn 40 ngàn héc-ta tôm - lúa, tập trung ở các huyện: U Minh, Cái Nước, Thới Bình, Trần Văn Thời và TP Cà Mau. Đây được xem là vùng chuyên canh tiềm năng của tỉnh, sẽ mang lại giá trị kinh tế cao hơn nữa nếu nông dân áp dụng cách thức canh tác an toàn, thân thiện với môi trường theo đúng quy trình sản xuất hữu cơ.
Mô hình này đã được áp dụng thí điểm tại Ấp 9, xã Thới Bình, thu hút 50 hộ dân tham gia, với quy mô trên 50 ha. Để xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất lúa đạt chuẩn hữu cơ, trước tiên phải giúp nông dân thay đổi nhận thức trong sản xuất nông sản sạch. Đó cũng là nền tảng gắn kết phát triển du lịch sinh thái ở các địa phương.
Giám đốc Công ty TNHH lương thực Tấn Vương (An Giang) Lê Thành Thiện Nhân nhận định: “Cà Mau là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong vuông nuôi tôm. Hiện công ty đang điều tra và chuẩn bị giao giống, ký hợp đồng với bà con”.
Đặc trưng vùng Cà Mau còn nhiều nơi giàu chất hữu cơ để cho cây lúa hấp thu và phát triển. Để chọn vùng sản xuất lúa - tôm đạt yêu cầu, nông dân tham gia phải tự nguyện, tự giác và tuân thủ áp dụng đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đã được hướng dẫn và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những nông dân khác.
Công ty TNHH lương thực Tấn Vương Công ty Tấn Vương hỗ trợ giống, vật tư phân bón, chế phẩm sinh học... ghi nợ cuối vụ và bao tiêu thu mua toàn bộ lúa hữu cơ của HTX Thành Công và nông dân với giá cả hợp lý.
Giám đốc HTX Thành Công Huỳnh Thanh Điền cho biết: “Để chọn vùng sản xuất lúa - tôm đạt yêu cầu không ô nhiễm môi trường, không sử dụng hoá chất, kháng sinh trong canh tác lúa, nuôi tôm, nông dân tham gia phải tự nguyện, tự giác và tuân thủ áp dụng đúng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ đã được hướng dẫn”.
Các đơn vị tư vấn, giám sát đánh giá, chứng nhận sản phẩm lúa - tôm của HTX đạt tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế.
Cũng theo ông Thiện Nhân, khi mô hình sản xuất này được cấp chứng nhận lúa - tôm hữu cơ thì nông dân không còn lo sợ không có đầu ra. Việc xuất khẩu những mặt hàng này sang thị trường khó tính cũng dễ dàng hơn. Đồng thời, giá trị nông sản và thu nhập của nhà nông cũng sẽ tăng lên.
“Công ty sẽ thu mua toàn bộ số lúa mà bà con đã thu hoạch theo giá thị trường và cộng thêm cho bà con 500 đồng/kg lúa. Đối với những người tham gia vụ lúa đầu tiên, năm nay công ty sẽ thu mua tăng thêm 700 đồng/kg lúa”.
Hộ tham gia mô hình này sẽ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ được quy định theo tiêu chuẩn USDA, EU, JAS… Mô hình này có sản lượng trung bình từ 4-4,5 tấn/ha.
Ông Nguyễn Thiện Chinh, Ấp 9, xã Thới Bình, phấn khởi: “Tôi tham quan, học hỏi tại các mô hình sản xuất lúa - tôm của các xã lân cận thì nông dân trồng lúa theo mô hình này rất hiệu quả. Cây lúa ít bị đổ ngã, giá cả được thu mua khá cao. Do không sử dụng phân bón hoá học nên con tôm dưới ruộng cũng khoẻ mạnh, lớn nhanh”.
Thành công bước đầu của mô hình sản xuất lúa - tôm hữu cơ thí điểm tại Ấp 9, xã Thới Bình đang nhận được sự quan tâm của nông dân vùng chuyên canh lúa - tôm. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Cà Mau Nguyễn Trần Thức đánh giá: “Xu hướng tiêu dùng của các nước phát triển hiện nay thường chuộng nông sản sạch, được sản xuất theo quy trình an toàn để đảm bảo sức khoẻ. Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng đến việc mở rộng diện tích sản xuất lúa - tôm hữu cơ quy mô lớn”.