Ngày 31/5 vừa qua, Bộ Tài chính Trung Quốc đã công bố giảm thuế NK đối với 221 mặt hàng thủy, hải sản đến từ các quốc gia ưu tiên (các quốc gia là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới - WTO). Đáng chú ý là thuế NK cá tra phi lê sẽ giảm từ 10% xuống 7%, còn thuế NK cá tra tươi hoặc ướp lạnh giảm từ 12% xuống 7%. Chính sách thuế NK mới đã có hiệu lực từ ngày 1/7.
Việc giảm thuế như trên là cơ hội để các DN XK cá tra sang Trung Quốc gia tăng biên lợi nhuận và tiếp tục đẩy mạnh XK cá tra sang thị trường lớn nhất hiện nay, nhất là qua đường chính ngạch. Lâu nay, XK cá tra sang Trung Quốc qua đường chính ngạch vẫn đang gặp phải những thách thức không nhỏ từ XK cá tra qua đường biên mậu. Trước hết là việc cá tra NK vào Trung Quốc qua đường chính ngạch phải chịu thuế VAT 17%, còn đi đường biên mậu không chịu thuế này (và cũng tránh được thuế NK). Do đó, việc Trung Quốc giảm mạnh thuế NK với cá tra sẽ giúp cho nhiều DN Việt Nam yên tâm hơn trong việc XK qua đường chính ngạch.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng được coi là một cơ hội để các DN Việt Nam đẩy mạnh XK cá tra sang cả 2 thị trường này.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, đối với cá tra Việt Nam, Trung Quốc không chỉ là thị trường rộng lớn nhờ dân số đông mà còn vì nước này có nền ẩm thực rất phong phú. Trong khi đó, cá tra lại là sản phẩm phù hợp để có thể chế biến lên tới hàng trăm món ăn khác nhau. Do đó, ngành cá tra Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng XK các sản phẩm giá trị gia tăng vào thị trường này.
Thống kê của VASEP cho thấy, trong 5 năm gần đây, XK cá tra sang Trung Quốc luôn tăng trưởng mạnh, với mức tăng từ 21 - 31%/năm. Trong năm nay, tính từ đầu năm đến giữa tháng 5, XK cá tra sang Trung Quốc đã đạt 174,268 triệu USD. Với giá trị như trên, cá tra đang là mặt hàng thủy sản có giá trị XK lớn nhất sang thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, XK cá tra chính ngạch sang Trung Quốc cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ. Một số quy định chưa hợp lý của cơ quan chức năng Trung Quốc đang khiến cho các DN XK cá tra Việt Nam gặp lúng túng. Chẳng hạn, với dư lượng photphat trong cá tra, quy định của EU là không vượt quá 4%, còn cơ quan chức năng Trung Quốc cứ thấy có photphat là cho rằng sản phẩm có dư lượng và không đạt tiêu chuẩn NK. Và trong khi đang tăng cường siết chặt kiểm soát chất lượng với cá tra NK chính ngạch thì cơ quan chức năng Trung Quốc vẫn chưa quan tâm thực hiện điều này với cá tra NK qua đường biên mậu.
Theo VASEP, trong 10 năm qua, XK thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc phát triển mạnh với mức tăng trưởng khá ổn định. Đây là một trong những thị trường hiếm hoi không tăng trưởng âm trong suốt quãng thời gian dài. Trong bối cảnh XK thủy sản sang các thị trường trọng điểm đang có xu hướng sụt giảm thì Trung Quốc thực sự là một thị trường thay thế đầy tiềm năng.
Năm 2017, Trung Quốc là thị trường lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam với giá trị đạt 1,33 tỷ USD, chiếm 15% tổng kim ngạch XK thủy sản. 6 tháng đầu năm 2018, ước tính XK thủy sản sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 586,494 triệu USD. Như vậy, Trung Quốc và Hồng Kông đã vượt qua EU để trở thành thị trường lớn thứ 3 của thủy sản Việt Nam sau Mỹ và Nhật Bản.
Thị trường thủy sản Trung Quốc được đánh giá là thị trường quan trọng trong tương lai của Việt Nam. Đây là thị trường tiềm năng nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ rủi ro nếu các DN không quan tâm đến vấn đề chất lượng và thương hiệu sản phẩm.