CUỘC SỐNG GẮN LIỀN VỚI BIỂN
Trước đây tôi cứ ngỡ những con thuyền neo đậu trên cảng cá phường 6 chỉ chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương ngoài khơi xa cả tháng mới về một lần, nhưng sau những lần đi thực tế tôi mới biết làng biển này còn có rất nhiều tàu nhỏ hoặc sõng câu để đánh bắt gần bờ.
Theo anh Nguyễn Văn Cư, một ngư dân phường 6 gắn bó với nghề này trên 20 năm, mùa biển no chỉ kéo dài từ tháng Giêng đến tháng 3. Nếu chăm chỉ câu cả đêm, mỗi ngày có thể kiếm vài trăm nghìn đồng đến một triệu đồng là chuyện thường. Từ tháng 4 đến tháng 7, anh và gần 30 người làm nghề câu sõng phải đi câu lúc trời chạng vạng (xẩm tối) hoặc lúc hừng đông. Dựa vào kinh nghiệm lâu năm trên biển, ngư dân quyết định ngày nào nên đi câu lúc xẩm tối (từ 5g đến 9g tối) hay đi câu hừng đông (từ 3g sáng đến 8g sáng). Từ tháng 8 đến cuối năm là mùa biển động nên hầu hết ngư dân ở nhà vá lưới, tu sửa sõng câu chờ vào mùa. Có một số lao động theo thuyền (đi bạn) đánh bắt cá ngừ đại dương (từ tháng 11 đến tháng Giêng) nhưng khi đến mùa họ lại quay về với nghề câu sõng của mình.
Thường ngày, nhiều phụ nữ ở làng biển phường 6 mang cá của chồng câu được bỏ cho các bạn hàng quen hoặc mang ra bán lẻ tại chợ Tuy Hòa. Vào mùa biển động, kinh tế gia đình sẽ trông chờ vào sự xoay sở của người vợ. Họ sẽ lấy cá lại của các mối quen từ Vũng Rô, Đại Lãnh, Đầm Môn… lúc 3g đến 4g sáng để bán lại ở chợ Tuy Hòa kiếm lời để chi tiêu trong gia đình. Vợ anh Cư, chị Hồ Thị Thủy chia sẻ: “Một năm dân biển ở đây chỉ đi câu được 6 tháng, thời gian còn lại rất nhàn rỗi. Vì vậy những khi vào mùa, chúng tôi phải chi tiêu dè sẻn, dành tiền kiếm được để dự phòng những tháng biển động. Với lại phải dành ra một số tiền để tu bổ và mua dụng cụ cho việc đánh bắt nữa. Năm nào đủ ăn và không bệnh đau là mừng lắm!”.
Tôi đến thăm nhà anh Cư lúc anh chuẩn bị đi câu xẩm. Sau khi ăn vội miếng cơm, anh vội bỏ vào trong cái thẩu nhựa gói thuốc lá, điện thoại di động để liên lạc với gia đình khi nào sõng về bến để vợ con khỏi trông chừng, cây đèn pin gắn trên đầu, hai cái đèn nháy (một cái để soi dưới nước đánh lưới và một cái treo trên sõng cho các tàu lớn thấy đường tránh), một bình đựng xăng khoảng 2 lít và một ôm lưới. Anh nhoẻn miệng cười: “Nghề câu sõng như tụi tui chỉ cần bao nhiêu đó thôi nhưng phải câu được cái gì đó để mang về cho vợ con ở nhà mừng”. Các bạn câu í ới gọi anh cùng ra bến. Vợ và con gái anh lặng nhìn theo, thầm cầu mong chuyến đi của anh bình an và có nhiều cá.
GIAN NAN NGHỀ CÂU ĐÊM
Đến 9g, anh Cư về đến bến. Vợ và con anh rất háo hức đỡ cái xô đựng thành quả lao động trên tay anh. Tối nay, anh câu được hai con cá cút (còn gọi là cá tàu bơn) vài con ghẹ và cá sòng. “Vậy là ngày mai cũng kiếm được buổi chợ”, vợ anh Cư chia sẻ. Các bạn câu của anh cũng đã về, họ tíu tít hỏi thăm nhau về lượng cá câu được, có người câu được một số cá như anh nhưng cũng có vài người không câu được gì, lỗ cả tiền xăng.
Nghề đi biển phân ra nhiều “chuyên ngành” khác nhau dựa vào vốn đầu tư của ngư dân. Ít vốn nhất là nghề câu sõng của anh Cư, chỉ cần đầu tư một thuyền máy nhỏ chạy bằng xăng hoặc dầu và lưới 2 (lưới nhặt khoảng 4 phân) hoặc lưới 5 (thưa khoảng 10 phân) để câu mực và cá. Ai nhiều tiền hơn một chút thì đầu tư ghe câu giã cào có kết cấu với 2 miếng ghá (gọi là 2 chiếc dép), bề ngang khoảng 60cm và chiều dài 1,2m cào tất cả các loại cá lớn nhỏ. Nếu có vốn nhiều hơn nữa thì đầu tư nghề mành đánh