Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), sản lượng cá tra thu hoạch tại ĐBSCL tính đến ngày 16-8 đạt gần 771.000 tấn (tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái), xuất khẩu cá tra đến 137 quốc gia và vùng lãnh thổ đạt giá trị 985 triệu USD. Giá cá tra hiện đã tăng thêm 2.000 đồng/kg so với hồi đầu tháng 8, ở mức 22.000-23.000 đồng/kg (tùy nơi), dự báo giá cá tra sẽ tiếp tục tăng do nhu cầu của thị trường tăng trong những tháng cuối năm.
Mặc dù vậy ngành cá tra tại ĐBSCL đang phải đối mặt với những khó khăn rất lớn như: cạnh tranh hạ giá bán giữa các doanh nghiệp (DN), bị áp thuế chống bán phá giá... Ông Vũ Văn Tám, thứ trưởng Bộ NN&PTNT, nhận định khó khăn lớn nhất của con cá tra là thị trường xuất khẩu khó khăn, không kiểm soát được giá xuất khẩu.
Dẫn chứng về tình trạng DN chào giá thấp hơn giá thành sản xuất, ông Dương Ngọc Minh - phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (Vasep) - cho biết trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4-2013 chỉ có 121 DN tham gia xuất khẩu cá tra, nay đã có tới 160 DN. Trong số này có 90 DN chào giá dưới 2 USD/kg và 90% DN này là DN thương mại không có vùng nuôi hay nhà máy chế biến nên giá nào cũng bán được. Ông Minh giải thích do những DN này mua nợ tiền cá của nông dân rồi bán nợ cho nhà nhập khẩu, nếu vay ngân hàng DN phải có tài sản thế chấp, trả lãi, còn vay của nông dân (hình thức nợ tiền cá) thì không phải thế chấp, không chịu lãi nên DN sẵn sàng bán giá thấp. Để ngăn chặn tình trạng trên, ông Minh kiến nghị các DN xuất khẩu phải có điều kiện là có nhà máy chế biến để tránh tình trạng chào giá quá thấp, ảnh hưởng đến ngành cá tra VN.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, phó chủ tịch VASEP, cho rằng vấn đề lớn nhất hiện nay là không kiểm soát được tổng nguồn cung. Ban chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ cá tra vùng ĐBSCL cần dựa trên quy hoạch chung và giao quota cho từng địa phương. Đồng tình quản lý vùng nuôi theo cách này, ông Dương Nghĩa Quốc, chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Đồng Tháp, cho rằng ngân hàng chỉ cho vay với những DN, người dân được cấp giấy chứng nhận được phép nuôi cá tra.
Bên cạnh đó, ông Lê Chí Bình, phó chủ tịch Hiệp hội Thủy sản An Giang, cho rằng cần phát huy chuỗi giá trị gồm nông dân, ngân hàng và DN. Khi DN ký hợp đồng với nông dân thì ký “giá chết” 50%, 50% còn lại theo giá thị trường. Có như vậy DN biết được giá như thế thì phải xuất khẩu với giá bao nhiêu là có lợi nhuận, ngân hàng cũng biết được DN mua bán ra sao sẽ không xảy ra tình trạng chiếm dụng vốn của nông dân nuôi cá nữa.
Sẽ có chính sách đặc thù
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, cần phải mở rộng thị trường, đồng thời giữ vững thị trường cũ. Trong nước sẽ tổ chức lại sản xuất theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm giảm giá thành, nguồn cung nâng cao chuỗi giá trị gia tăng cho ngành hàng. Ông Tám cho biết sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho nghị định về nuôi, chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra trình Chính phủ vào tháng 10 tới. Khi đó sẽ có những chính sách đặc thù giúp ngành cá tra phát triển bền vững.