Đầu Tư Tài Chính đã có cuộc trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), để tìm hiểu thêm thông tin.
PHÓNG VIÊN: -Quyết định cuối cùng của DOC sẽ có ảnh hưởng như thế nào đối với ngành sản xuất và chế biến tôm của Việt Nam, thưa ông?
Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE: - Ngay sau khi DOC ra quyết định cuối cùng, phía VASEP cũng đã ra thông cáo báo chí phản đối kết quả vụ kiện chống trợ cấp đối với tôm đông lạnh Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.
Theo VASEP, quyết định áp thuế chống trợ cấp là một sự áp đặt bất công với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm Việt Nam đang hoạt động theo cơ chế thị trường, không nhận trợ cấp của Nhà nước trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng không nhận được bất kỳ trợ cấp riêng biệt nào cho ngành tôm trong nhiều năm qua.
Quyết định này, cùng với việc đánh thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam nhập khẩu vào Hoa Kỳ, là một quyết định không công bằng, đánh 2 loại thuế lên cùng 1 sản phẩm, đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của hơn 600.000 nông dân, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu tôm tại Việt Nam.
- Nhưng quyết định này còn phụ thuộc vào quyết định cuối cùng của ITC. Liệu tôm đông lạnh Việt Nam còn hy vọng?
- Chúng tôi đang nỗ lực hết sức để kháng kiện tại ITC. ITC sẽ xác định xem tôm nhập khẩu có gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho ngành tôm nội địa Hoa Kỳ hay không. Trên thực tế, trong năm 2012, ngành tôm Hoa Kỳ đã có sự cải thiện đáng kể về mặt sản lượng cũng như giá cả.
Cùng với đó, hiện nay sản lượng cộng dồn của 5 quốc gia xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ đang bị áp thuế chỉ chiếm khoảng 45%. Điều này cho thấy việc tôm nhập khẩu gây nguy hại cho ngành công nghiệp nội địa gần như không có.
Ngoài ra, ngay cả các nhà nhập khẩu, buôn bán tôm Hoa Kỳ cũng khẳng định để có thể cung ứng cho thị trường họ phải vừa phải mua tôm nhập khẩu, vừa mua tôm đánh bắt trong nước. Đây là 2 loại sản phẩm khác nhau, dành cho các đối tượng khách hàng khác nhau, nên không hề có sự cạnh tranh với nhau.
Việc DOC ra quyết định áp thuế chống trợ cấp với tôm nhập khẩu Việt Nam cũng như 4 nước bị đơn còn lại khiến người tiêu dùng Hoa Kỳ phải gánh chịu tác động trực tiếp.
Theo đó, một bộ phận lớn người dùng nước này sẽ phải trả giá cao hơn cho sản phẩm tôm nhập khẩu mà họ đang quen tiêu thụ. Chính vì thế chúng tôi có hy vọng và đề nghị ITC xem xét công tâm và đưa ra quyết định đúng đắn, hợp lý nhằm chấm dứt hoàn toàn vụ kiện vô lý này.
- Trước sức ép liên tục từ các dòng thuế của Hoa Kỳ, liệu ngành xuất khẩu tôm Việt Nam có chuyển hướng thị trường khác?
- Thực ra việc gì cũng cần có thời gian và phải xem phản ứng của thị trường như thế nào. Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đông lạnh Việt Nam giống như 1 mắt xích trong chuỗi cung ứng tôm trên thị trường Hoa Kỳ. Vì thế nếu 1 mắt xích bị ảnh hưởng cũng sẽ tác động đến cả chuỗi.
Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp nhập khẩu Hoa Kỳ đang ngồi lại tìm giải pháp giữ cho chuỗi cung ứng được ổn định.
Theo quan điểm của tôi, các doanh nghiệp Việt Nam nên kiên trì, bình tĩnh theo dõi vụ việc để tìm cách tháo gỡ dần. Chỉ đến khi nào không thể tìm được cách giải quyết chúng ta mới nghĩ đến việc tìm thị trường khác.
- Xin cảm ơn ông.