Tuy nhiên nhiều DN lại tỏ ra thờ ơ. Do đó, nhiều ý kiến cho rằng nếu tiếp tục duy trì cách sản xuất như hiện nay, con tôm dễ lâm vào tình cảnh phải "giải cứu".
Nguy cơ mất thị trường 800 triệu USD
Không chỉ riêng thị trường Úc, tôm Việt còn gặp khó ở nhiều thị trường như Hàn Quốc, Ả Rập xê-út, Trung Quốc, Brazil, Mexico. Theo TS Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), các thị trường này đều đã có thông báo yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải đạt chứng nhận an toàn dịch bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) hoặc được cơ quan thẩm quyền nước nhập khẩu công nhận là sạch bệnh mới được phép xuất khẩu. Nếu không, từng lô phải có chứng nhận sạch bệnh đối với sản phẩm tôm chưa nấu chín.
"Do vậy, nếu không thực hiện tốt vấn đề hàng rào kỹ thuật về bệnh dịch, tồn dư kháng sinh này thì sẽ rất khó để xuất khẩu sang các thị trường nói trên”- TS Phạm Văn Đông khẳng định.
Trong khi đó, những thị trường này hiện đang chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành tôm, với giá trị khoảng 800 triệu USD. Như vậy, nguy cơ Việt Nam có thể mất thị trường 800 triệu USD và nhiều dư địa này.
Cục Thú y đồng thời cho biết đơn vị này đã nhiều lần cảnh báo về các quy định từ phía nước ngoài để phối hợp ứng phó nhưng các DN vẫn khá thờ ơ.
Doanh nghiệp thờ ơ
Có cùng lo lắng, đại diện VASEP cho biết, cộng đồng DN chế biến hết sức lo lắng trước những quy định trên vì các chỉ tiêu về dịch bệnh thuộc khâu nuôi. Các chỉ tiêu này rất khó kiểm soát vì nếu khâu nuôi không dùng kháng sinh sẽ không loại bỏ được mầm bệnh có ở khắp nơi.
Với Hàn Quốc, thị trường liên tục tăng trưởng 10 năm qua, đạt kim ngạch 300 triệu USD/năm nhưng đến ngày 1/4/2018 tới đây sẽ áp dụng quy định mới về chứng nhận sạch bệnh thì nguy cơ mất thị trường này là rất cao. Với thị trường Úc, xuất khẩu tôm đạt 80 triệu USD/năm nhưng những tháng đầu năm sụt giảm đến 50% do hàng rào kỹ thuật.
Ông Tony Đặng Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt Úc thẳng thắn chỉ rõ, tỉ lệ nuôi tôm thành công tại Việt Nam rất thấp, chỉ 25%-30%, do các hộ nuôi có trình độ thấp. Tôm Việt Nam trước giờ cạnh tranh được là nhờ giá thấp nhưng những quy định mới dù giá thấp cũng không bán được nên buộc phải thay đổi.
Cũng có nhiều ý kiến cho rằng, với tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay, nếu không có giải pháp đồng độ mang tính quốc gia thì trong thời gian tới sẽ rất khó cho DN xuất khẩu tôm.
Để tháo gỡ những vướng mắc này, Bộ NN&PTNT đã triển khai Kế hoạch quốc gia giám sát dịch bệnh trên tôm và cá tra góp phần phục vụ xuất khẩu, giai đoạn 2017-2020. Theo kế hoạch này sẽ lựa chọn DN có chuỗi hoặc liên kết theo chuỗi sản xuất có xuất khẩu sang các thị trường nói trên để tham gia chương trình giám sát.
Mặc dù chương trình có tính chất khá quan trọng trong việc nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm tôm xuất khẩu, tuy nhiên cho đến thời điểm này mới một vài doanh nghiệp tham gia vào chương trình giám sát dịch bệnh này.
Đại diện Cục Thú y, cho biết cũng đã khởi động việc ứng phó với các quy định mới của nước ngoài từ năm 2014 nhưng không được DN hưởng ứng. Hiện tại, chỉ mới có Công ty Việt Úc và Công ty Huy Long An tham gia xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Trong đó, Công ty Việt Úc đã cơ bản đáp ứng các tiêu chí để được ngành thú y công nhận. Theo quy trình, phía nhập khẩu phải đến tái kiểm tra và mất nhiều thời gian cho các thủ tục để được thế giới công nhận an toàn dịch bệnh.
Do đó, vị đại diện khẳng định, người nuôi cũng như DN chưa ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Do đó, nếu tiếp tục duy trì cách sản xuất như hiện nay, con tôm dễ lâm vào tình cảnh phải "giải cứu".
"Trung Quốc không phải là thị trường dễ tính đối với tôm nhập khẩu chính ngạch. Do đó, nếu ngành tôm trông chờ vào xuất tiểu ngạch thì nên nhìn vào bài học của con heo vừa qua"- đại diện Cục Thú y nói.
Trước đó, tại buổi hợp Chính phủ chiều ngày 3/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ưu ý, vấn đề thị trường của ngành nông nghiệp đang nảy sinh những thách thức mới. Đặc biệt, hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là tôm và cá tra vào Mỹ đang gặp phải những “vấn đề khắc nghiệt.”