Đối thủ chính là tôm Ấn Độ bị cảnh báo nhiễm kháng sinh và đối mặt với nguy cơ EU cấm nhập khẩu nên tôm Việt Nam được lựa chọn thay thế. Đối với các đối thủ khác như Thái Lan và Trung Quốc tôm Việt Nam đang được hưởng mức thuế quan phổ cập (GSP). Hiện tại, mức thuế GSP mà EU dành cho Việt Nam đối với tôm nguyên liệu đông lạnh (HS 030617) là 4,2%; tôm chế biến đông lạnh (HS 160521) là 7%.
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), một lợi thế rất lớn khác là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam với Liên minh châu Âu (EVFTA) đang trong giai đoạn chuẩn bị có hiệu lực. Theo cam kết, sau khi Hiệp định có hiệu lực, hàng hóa Việt Nam trong đó có mặt hàng tôm sẽ được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt. Đây sẽ là cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu tôm sang EU.
Trên những lợi thế đó, xuất khẩu tôm sang thị trường EU trong tháng 1.2018 đạt gần 50 triệu USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ba thị trường chính trong khối đều tăng trưởng ở mức 2 con số; Hà Lan 65%, Đức 62% và Bỉ tăng 29%.
Sau EU là thị trường Nhật Bản đạt gần 45 triệu USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2017. Mỹ xếp thứ 3 với gần 41 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.