Cty Minh Châu gần như ngưng hoạt động vì thiếu vốn, nợ nần.
Hệ luỵ kéo theo là tình trạng công nhân lũ lượt rời nhà máy đi nơi khác tìm việc.
Thất nghiệp gia tăng
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Cà Mau cho biết, hơn 40.000 công nhân chế biến thủy sản đang trong tình cảnh khốn khó vì công việc bị ngưng trệ, đời sống bấp bênh.
Chỉ vào những dãy nhà ở công nhân Xí nghiệp chế biến thủy sản Cái Đôi Vàm vắng bóng công nhân, ông Trương Hoàng Khải, Chủ tịch UBND thị trấn Cái Đôi Vàm (Phú Tân) nói: “Lượng công nhân làm đơn rút bảo hiểm, xin chuyển đi nơi khác khá lớn. Thời gian gần đây, lượng tôm nguyên liệu cặp bến thu mua khả quan nhưng không dám chắc xí nghiệp gượng dậy được”.
Giám đốc Cty Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Minh Hiếu, tỉnh Bạc Liêu, bà Lê Thị Hạt, cho biết: “Cty ngưng hoạt động, khoảng 500 công nhân phải nghỉ việc, chuyển tìm việc làm khác. Đây là doanh nghiệp nhỏ, nếu tính diện rộng tỉnh Bạc Liêu thì số lượng lao động lên đến vài chục ngàn người bị ảnh hưởng và gia đình của họ sẽ khó khăn theo”.
Khảo sát của PV Tiền Phong tại Khu công nghiệp Hòa Trung (Cái Nước, Cà Mau), hiện có hàng ngàn công nhân bị “treo” vì nhiều Cty thiếu việc làm kéo dài, nợ lương cùng các chế độ đối với người lao động.
Khu tập thể Vĩnh Kỳ do Cty Đại Dương thuê cho công nhân ở vắng bóng công nhân, nhiều phòng khóa cửa. Bà Lê Thị Biên, chủ nhà trọ ở ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân (Cái Nước) nói: “Cty Đại Dương thuê 56 phòng trọ, giá 300.000đ/tháng nhưng nhiều tháng rồi không thanh toán, công nhân bỏ đi gần hết, không biết tính sao”.
Vợ chồng công nhân Lê Văn Sấn và Trần Mỹ Duyên.
Vợ chồng công nhân Lê Văn Sấn và Trần Mỹ Duyên là những người hiếm hoi trụ lại tại xóm trọ, lo lắng: “Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, chưa tháng nào Cty Đại Dương có việc cho công nhân làm quá một tuần".
Ông Trương Hoàng Ai, Trưởng phòng hành chính - tổ chức Cty Đại Dương nói: “Lúc cao điểm, Cty Đại Dương hơn 1.000 công nhân thì nay còn chưa tới 300 công nhân. Khi ngân hàng rót vốn cho doanh nghiệp mới có tiền mua tôm nguyên liệu, có việc làm, doanh nghiệp hồi sinh dần”.
Đổi chủ, doanh nghiệp vẫn "hấp hối"
Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hội chế biến- xuất khẩu thủy sản Cà Mau cho biết: “Cà Mau từng là một trong những tỉnh điển hình vì các nhà máy chế biến thủy sản hoạt động hiệu quả, nay lại đang phát đi những tín hiệu xấu. Tỉnh Cà Mau có 34 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu nhưng chỉ khoảng 50% nhà máy hoạt động hiệu quả, có đơn hàng xuất khẩu thường xuyên. Số còn lại gặp không ít khó khăn, khoảng 30% có nguy cơ phá sản”.
Cuối năm 2011, ông Phạm Tiến Dũng- một đại gia chưa từng biết đến trong làng thủy sản Cà Mau thành lập Cty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu thủy hải sản Biển Vàng (Bivamex) đặt trụ sở tại 380 Cao Thắng, phường 8 (TP Cà Mau) với vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Ông Phạm Tiến Dũng chủ trương mua lại các doanh nghiệp chế biến thủy sản đang “hấp hối” như Cty Đại Dương, Việt Hải, Minh Châu, Ngọc Châu.
Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu bị đại gia Phạm Tiến Dũng thâu tóm vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn.
Tìm hiểu của PV, được biết, Cty Bivamex nhiều tháng nay hoạt động cầm chừng, mất khả năng cân đối tài chính trầm trọng, nợ tiền mua nguyên liệu. Các nhà cung cấp nguyên liệu ngừng cung cấp, khách hàng không mua hàng, ngân hàng siết chặt tín dụng làm thiếu vốn sản xuất kinh doanh.
Ông Trương Hoàng Ai, Trưởng phòng Hành chính- Tổ chức Cty Đại Dương, cho biết: “Hiện nay, Chi nhánh Ngân hàng Quân đội Chợ Lớn TP HCM cử người trực tiếp cho vay: phát lương, trả tiền mua tôm nguyên liệu, chi phí sản xuất và thu hồi công nợ khi xuất khẩu. Thông báo điện lực Cà Mau cúp điện vào những ngày đầu tháng 7-2012, chúng tôi phải lập tờ trình xin ứng tiền để mua dầu chạy máy phát điện”.