Khu trú bão và neo đậu tàu thuyền Thọ Quang được hình thành và đưa vào hoạt động năm 2004, với địa hình tương đối rộng, với 25ha mặt đất và khoảng 58ha mặt nước. Vùng nước Âu thuyền có sức chứa từ 800 đến 1.000 tàu thuyền vào neo đậu. Khu vực cảng cá được quy hoạch gồm có các phân khu chức năng như: khu hành chính văn phòng, bãi đỗ xe, 03 cầu cảng với chiều dài 600m, chợ đầu mối thủy sản, khu chợ dịch vụ, chợ tạp hóa, khu đóng và sửa chữa tàu, khu dịch vụ hậu cần, sản xuất nước đá, bán xăng dầu… Bên cạnh khu vực Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang là khu Công nghiệp chế biến thủy sản hiện có 16 doanh nghiệp chế biến thủy sản hoạt động hiệu quả và có xu hướng phát triển.
Với việc Quy hoạch và đầu tư xây dựng khu neo đậu tránh trú bão, Cảng cá và Chợ đầu mối thủy sản nằm trong khu Công ngiệp và dịch vụ thủy sản một cách đồng bộ và hợp lý, đã tạo nhiều thuận lợi cho hoạt động nghề cá của Đà Nẵng nói riêng và Miền trung nói chung. Tàu thuyền ngư dân vào cập cảng được hướng dẫn và bố trí mặt bằng trong chợ đầu mối để đưa ngay sản phẩm khai thác, đánh bắt vào bán hoặc vận chuyển đến các nhà máy chế biến thủy sản để đưa vào chế biến; việc vận chuyển ở cự li gần giúp ngư dân tiết kiệm nhiều chi phí. Đồng thời việc Cảng cá nằm bên cạnh chợ đầu mối giúp ngư dân nắm bắt được thông tin về thị trường mặt hàng, giá cả, nhu cầu tiêu thụ…
Do được quy hoạch tập trung tất cả các hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá trong và xung quanh khu vực âu thuyền, cảng cá nên ngư dân được phục vụ đầy đủ từ việc sửa chữa tàu thuyền, lưới cụ cũng như việc cung ứng: xăng dầu, nước đá, lương thực, thực phẩm…Trong công tác quản lý khu neo đậu tránh trú bão, ngư dân được Ban Quản lý hướng dẫn, sắp xếp neo đậu an toàn vào các phao neo, trụ neo; có chỗ an toàn để ngư dân sơ tán khi bão đổ bộ.
Đối với công tác quản lý, việc kết hợp vừa là khu trú bão, vừa là cảng cá, vừa là chợ đầu mối thủy sản đã khai thác có hiệu quả các nguồn lợi tại Âu thuyền và Cảng cá, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch về đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống lụt bão… Quản lý được tàu thuyền cập cảng theo đúng quy trình, tạo điều kiện ngư dân có mặt bằng bán trực tiếp sản phẩm đánh bắt của mình trong chợ đầu mối.
Tuy nhiên, với đặc thù hoạt động đa dạng của ngư dân, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang vẫn gặp phải một số khó khăn nhất định trong công tác quản lý. Tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão nhiều đi kèm với việc xả rác thải, nước thải xuống Âu thuyền nên công tác thu gom rác thảivà xử lý nước thải trên mặt nước Âu thuyền còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng tàu thuyền vào neo đậu tránh trú bão nhiều, số lượng phao bù còn hạn chế (chỉ có 28 phao), tàu neo buộc vào phao với số lượng lớn dễ gây hư hỏng hệ thống phao bù và không đảm bảo an toàn cho phương tiện neo đậu. Chiều dài cầu cảng còn hạn chế nên số lượng tàu cập cảng bán hàng cùng một thời điểm rất hạn chế. Việc triển khai đăng kí tàu thuyền đến và rời cảng; thu gom rác thải, nước thải của tàu thuyền theo quy định chưa được thực hiện do ngư dân khi vào Âu thuyền đã có khai báo với lực lượng biên phòng nên không chấp hành khai báo với ban quản lý Âu thuyền. Đây là khó khăn trong việc chưa phân cấp chức năng rõ ràng giữa Ban quản lý Âu thuyền với các cơ quan chức năng khác, khiến việc quản lý không được đồng nhất và rất khó khăn để ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá làm tròn được trách nhiệm của mình.
Trong thời gian tới, để quản lý một cách có hiệu quả nhằm xây dựng Âu thuyền và Cảng cá thành trung tâm phục vụ hậu cần nghề cá cho ngư dân thành phố Đà Nẵng, cần đầu tư nâng cấp mở rộng âu thuyền, cảng cá, tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều tàu cùng lên hàng một lúc, đảm bảo cho việc nao đậu tránh trú bão cho khoảng 1.000 tàu thuyền trong mùa mưa bão.