Về thôn 2 xã Lĩnh Sơn huyện Anh Sơn hỏi đến anh “Anh nuôi lươn” ai cũng biết, bởi đó là biệt danh mọi người đặt cho anh Bùi Văn Anh, người đã tiên phong trong việc về quê phát triển kinh tế. Gặp chúng tôi anh Anh chia sẻ: Sau khi tốt nghiệp ngành quản lý kinh tế, trường Đại học kinh tế Thái Nguyên, anh nhận công tác tại Công ty công nghiệp hóa chất - mỏ Việt Bắc. Đặc thù của công việc là được đi công tác nhiều nơi nên anh có cơ hội tham quan nhiều mô hình sản xuất, chăn nuôi nhưng mang lại lợi nhuận cao. Vốn xuất phát từ sản xuất nông nghiệp, mình đã không ngại công việc chăn nuôi, lại thấy có thể tận dụng nguồn đất đai dồi dào, màu mỡ ở địa phương. Chính suy nghĩ đó năm 2017 anh quyết định xin thôi việc và về quê để tìm kế lập nghiệp.
Cuối năm 2018 anh Bùi Văn Anh mạnh dạn đầu tư xây bể nuôi lươn không bùn.
Về quê với lợi thế gia đình sẵn có gần 1 ha đất ở vùng Thang Vưa ở thôn 1, anh Anh quyết định xây dựng chuồng trại để nuôi lợn thịt. Qua vài lứa lợn đầu thành công, đến đầu năm 2018 anh đầu tư với tổng đàn lớn hơn 100 con/lứa thì gặp khó khăn về dịch bệnh, giá cả nên anh quyết định chuyển hướng chăn nuôi. Sau khi tìm hiểu nhận thấy trên địa bàn mô hình nuôi lươn chưa có, hơn nữa số lượng các quán ăn nhà hàng khá nhiều, từ đó cuối năm 2018 anh đã mạnh dạn chuyển hướng đầu tư sang xây bể nuôi lươn không bùn. Để bắt tay vào nuôi lươn không bùn, anh xác định bên cạnh cần cù, chịu khó thì phải nắm thật vững kỹ thuật mới thành công được, từ đó anh lặn lội xuống huyện Yên Thành học hỏi kinh nghiệm nuôi lươn với thời gian 6 tháng.
Dẫn chúng tôi ra thăm chuồng lươn sắp thu hoạch, Bùi Văn Anh giở chùm dây ni lông lên khỏi mặt nước, hàng ngàn con lươn vàng óng đang được chăm sóc nuôi dưỡng theo đúng quy trình kỹ thuật. Anh cho biết: Trong khuôn viên của 3 gian nhà nhỏ được anh đầu tư xây 6 bể xi măng, mỗi bể có diện tích 5m2. Lươn được anh lấy giống và chọn kỹ ở miền Nam về, với số lượng 10.000 con, có giá 45 triệu đồng. Lúc mới thả, lươn giống nhỏ chỉ bằng cái tăm hương, trọng lượng 1.000 con mới được 1kg. Tùy theo diện tích chuồng mà thả nuôi số lượng tương ứng từ 270 - 320 con/m2. Mỗi chuồng anh Bùi Văn Anh thả 3 chùm dây ni lông để lươn có chỗ trú ẩn. Đến nay qua 6 tháng nuôi, mô hình nuôi lươn không bùn của anh bước đầu đã thành công với tỷ lệ sống là 99%, lươn phát triển rất nhanh.
Đến nay qua 6 tháng nuôi, mô hình nuôi lươn không bùn của anh bước đầu đã thành công với tỷ lệ sống là 99%, lươn phát triển rất nhanh.
Chia sẻ về quá trình nuôi lươn không bùn, Bùi Văn Anh cho biết: nuôi lươn không bùn không tốn nhiều chi phí và công sức lao động, nhưng phải đòi hỏi phải tỉ mỉ, kiên trì và hơn hết là có kiến thức, am hiểu đặc tính sinh học của lươn để có phương pháp nuôi phù hợp. Theo Bùi Văn Anh nuôi lươn trong bể xi măng không bùn, khâu đầu tiên là tuyển chọn và thuần hóa con giống. Trước khi thả vào bể nuôi, lươn được rửa sạch, xử lý qua nước muối hoặc dung dịch thuốc tím pha loãng để sát khuẩn, loại bỏ nấm và các ký sinh trùng, nhằm hạn chế tối đa nguồn bệnh trong quá trình nuôi thả. Nguồn thức ăn cho lươn được xem là yếu tố quan trọng hàng đầu, ngoài thức ăn chính được chế biến từ cá biển, anh còn mua thêm giun quế để bổ sung dinh dưỡng cho lươn. Mỗi ngày cho lươn ăn 2 lần vào lúc sáng sớm và chiều mát, sau khi cho lươn ăn mồi khoảng 1 tiếng phải thay nước ngay, tuyệt đối không để thức ăn dư thừa tồn đọng dẫn đến ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát dịch bệnh và các yếu tố về an toàn VSTP. Để quản lý tốt chất lượng nước trong bể, phòng tránh lươn nhiễm bệnh, Bùi Văn Anh thường xuyên thay nước ngày 2 lần, tiến hành diệt khuẩn 2 - 3 ngày một lần. Hiện nay lươn đến tháng thứ 6, anh đang chuẩn bị các vỉ tre để thay thế chùm dây ni lông cho lươn có nơi trú ẩn thông thoáng hơn. Bùi Văn Anh nhẩm tỉnh với hơn 10.000 con giống, sau 10 tháng chăm sóc sẽ có khoảng 1,7 tấn lươn thương phẩm, với giá bán 150 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các chi phí cũng lãi hơn 150 triệu đồng.
Nói về dự định của mình trong thời gian tới, anh cho biết: “Mục đích việc về quê xây dựng kinh tế của anh là để thay đổi suy nghĩ của những người nông thôn đi học về là phải có một công việc, nhất là những người muốn làm nhà nước để có chỗ đứng trong xã hội, sợ tay lấm chân bùn. Hiện nay anh đang đặt 15.000 con giống và đang xây bể để mở rộng diện tích và con giống. Anh muốn chứng minh bằng chỉ cần có kiến thức, sự đam mê, cùng với quyết tâm, mọi người hoàn toàn có thể làm giàu ngay chính vùng quê nghèo khó, đồng thời anh sẵn sàng tư vấn khởi nghiệp, giúp đỡ cho nhiều nông dân muốn học hỏi kinh nghiệm làm giàu bằng mô hình nuôi lươn không bùn.
"Chỉ mới 30 tuổi đời nhưng bằng sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, hiện nay mô hình của anh Bùi Văn Anh là tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi của địa phương. Thời gian gần đây, lươn tự nhiên bị cạn kiệt do khai thác quá mức, vì vậy mô hình nuôi lươn không bùn của Bùi Văn Anh đã mở ra hướng nuôi mới giúp giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi và nâng cao thu nhập cho hộ gia đình. Không chỉ mạnh dạn trong phát triển kinh tế, anh Bùi Văn Anh còn được mọi người biết đến là là một chi hội phó nông dân trẻ năng động, nhiệt huyết trong các phong trào, hoạt động của địa phương cũng như của tổ chức. Thời gian gần đây, mô hình của anh trở thành địa chỉ tham quan học hỏi kinh nghiệm của hội viên nông dân trong xã" - ông Phạm Minh Trí, Chủ tịch hội nông dân xã Lĩnh Sơn, Anh Sơn đánh giá.