Theo Cục Thú y, đến nay có 6 nước (bao gồm Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ả rập Xê-út, Mê-hi-cô và Bra-xin) hoặc là đã tạm dừng nhập khẩu tôm chưa qua nấu chín hoặc sẽ áp dụng việc lấy mẫu xét nghiệm các bệnh theo quy định của Tổ chức Thú y thế giới (bao gồm các bệnh: Đốm trắng, Hoại tử gan tụy cấp tính, Đầu vàng, Taura, Hoại tử cơ quan tạo máu và cơ quan biểu mô và bệnh Hoại tử cơ) hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xác nhận và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn dịch bệnh đối với các lô tôm chưa qua nấu chín của Việt Nam.
Giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang 6 nước này khoảng trên 2 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu tôm đạt trên 800 triệu USD. Do đó, các biện pháp mà các nước này đưa ra có ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu tôm của Việt Nam. Các nước đã lập luận nếu kiểm soát tốt dịch bệnh, an toàn dịch bệnh thì không những phòng được các loại mầm bệnh xâm nhiễm vào nước họ; bản thân người nuôi tôm của Việt Nam sẽ không sử dụng kháng sinh, hóa chất trong suốt quá trình nuôi, do đó sản phẩm thu hoạch sẽ có chất lượng cao và bảo đảm các chỉ tiêu an toàn dịch bệnh.
Nhận thức rõ nguy cơ ngày càng có nhiều nước đưa ra các hàng rào kỹ thuật về dịch bệnh, trong những năm vừa qua, Cục Thú y đã tham mưu cho Bộ Nn- PTNT chỉ đạo tổ chức thực hiện: (1) Hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống dịch bệnh và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh phù hợp với các quy định của OIE; (2) Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở; (3) Tổ chức chủ động giám sát dịch bệnh để cảnh báo sớm và có các giải pháp phòng, chống phù hợp và có bằng chứng hỗ trợ xuất; (4) Giải pháp lâu dài, bền vững là đã ban hành và đang tổ chức thực hiện chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh để đáp ứng yêu cầu của các thị trường nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam.
Ngày 10/3/2017, Cục Thú y đã tổ chức họp với các đơn vị liên quan thuộc Bộ, các Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh trọng điểm về sản xuất tôm giống (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và Bạc Liêu) và các tỉnh trọng điểm về nuôi tôm thương phẩm xuất khẩu (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau), các Hiệp hội và các doanh nghiệp để phổ biến, hướng dẫn và bàn giải pháp đẩy mạnh xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh.
Đến nay, đã có nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Việt Úc, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty TNHH Kết Phát Thịnh,… tiên phong đăng ký và đang tổ xây dựng chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh để phục vụ xuất khẩu. Các tỉnh trọng điểm về sản xuất tôm giống đã có kế hoạch lựa chọn các cơ sở sản xuất tôm giống để triển khai xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh ngay từ đầu năm 2017.
Mặt khác, Cục Thú y cũng đã nghiên cứu kỹ các quy định của quốc tế (bao gồm Luật của Tổ chức Thương mại thế giới và Luật của OIE) và các quy định của các nước; dịch toàn bộ các tài liệu này để phổ biến, hướng dẫn và tập huấn cho các địa phương và các doanh nghiệp nắm rõ, xây dựng kế hoạch thực hiện và tổ chức triển khai áp dụng nhằm có được các sản phẩm tôm đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh để xuất khẩu; tổ chức hỗ trợ các địa phương xác định vùng đệm xung quanh các chuỗi sản xuất tôm an toàn dịch bệnh để từ đó triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ lưu hành các loại mầm bệnh; tổ chức giám sát chủ động để cảnh báo sớm, xử lý kịp thời và hiệu quả, nhất là tại các vùng đệm.
Đây là một trong những giải pháp căn cơ, quan trọng và cần thiết phải thực hiện ở các địa phương để bảo đảm cho ngành nuôi tôm của Việt Nam phát triển bền vững, tăng cao sản lượng, chất lượng để mục tiêu xuất khẩu đến năm 2025 đạt 10 tỷ đô theo chỉ đạo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp phát triển ngành tôm Việt Nam vào ngày 06/02/2017 tại tỉnh Cà Mau.