Rùa biển là thuật ngữ chung chỉ các loài bò sát thuộc họ Chelonioidea, thuộc bộ Rùa Testudines. Các bằng chứng khảo cổ học cho thấy nhóm rùa biển đã trải qua hơn 130 triệu năm tiến hóa. Hiện trên thế giới có 08 loài rùa biển, trong đó có 5 loài được ghi nhận tại Việt Nam bao gồm Rùa xanh (Chelonia mydas), Đồi mồi (Eretmochelys imbricate), Đồi mồi dứa (Lepidochelys olivacea), Quản đồng (Caretta caretta), Rùa da (Dermochelys coriacea).
Tại Việt Nam, tất cả các loài rùa biển đều được pháp luật bảo vệ, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 2 tỷ đồng hoặc bị phạt tù lên đến 15 năm. Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng săn bắt, giết mổ, buôn bán rùa biển vẫn diễn ra tại nhiều địa phương. Việc khai thác hải sản vừa làm cạn kiệt nguồn thức ăn của rùa, vừa khiến các cá thể rùa bị mắc vào ngư cụ.
Thú biển là thuật ngữ khoa học dùng để chỉ các loài động vật có vú sống ở biển và lấy 98% lượng thức ăn môi trường đại dương. Thuật ngữ này bao gồm các loài cá heo và cá voi (bộ Cetacea), các bò biển và lợn biển (bộ Sirenia), các loài hải cẩu (Họ Piniped-Bộ Carnivora), các loài rái cá biển (Họ Mustelidae- bộ Carnivora) và loài gấu Bắc cực.
Các loài thú biển khá đa dạng về hình thái bên ngoài, nhưng đều mang các đặc điểm chung của lớp động vật hữu nhũ (lớp Thú) như đẻ con, nuôi con bằng sữa, thở bằng phổi…Xử lý các trường hợp thú biển mắc cạn, dạt bờ ở Việt Nam là vấn đề đa ngành. Về mặt bảo tồn, giải cứu và tái thả thành công những cá thể thú biển thuộc các loài nguy cấp giúp ích cho việc duy trì và phát triển quần thể của loài.
Giải cứu và tái thả thành công những cá thể thú biển thuộc các loài nguy cấp giúp ích cho việc duy trì và phát triển quần thể của loài.
Theo ông Vũ Long, chuyên gia CBES cho biết bycatch là hiện tượng các loài sinh vật biển không phải mục tiêu bị bắt giữ trong quá trình đánh bắt các loài cá hoặc hải sản khác. Bycatch là một vấn đề phức tạp bởi đa dạng loại ngư cụ và phụ thuộc vào tập tính sinh học của loài bị bycatch; mức độ tổn thương lên cá thể bị bycatch. Để cứu hộ hiệu quả, cần biết từng trường hợp cụ thể.
Đối với rùa biển để có thể gỡ lưới, gỡ dây, đặc biệt là gỡ lưỡi câu, chúng ta thường phải cố định rùa. Đối với rùa nhỏ đến trung bình, có thể vớt lên tàu .Trường hợp rùa mắc câu, tuyệt đối không kéo dây câu để kéo rùa lên tàu, vì có thể gây tổn thương nội tạng; không nắm các chi chèo để nhấc rùa lên và không lật ngửa rùa vì sẽ gây ép phổi. Để cắt dây và lưới cần đặt rùa cố định trên lốp xe, khoanh dây thừng hoặc thùng nhựa để úp và sử dụng kìm, kéo hoặc các loại dao móc chuyên dụng để cắt dây. Sau khi cắt gỡ hết dây, lưới, đánh giá tình trạng mô, nếu có dấu hiệu hoại tử, thối thịt, phải chuyển rùa về trung tâm cứu hộ.
Đối với thú biển, các trường hợp cứu hộ cho cá thể thú biển bycatch trên biển thường phức tạp hơn, có thể dùng phao dìm để thả thú biển mắc lưới hoặc cột phao vào lưới của thú biển mắc phải và chạy tàu theo chầm chậm để cắt lưới cho thú biển bằng dụng cụ chuyên dụng. Cần chú ý hạn chế nắm đuôi, vây, cân nhắc vấn đề vớt lên tàu.
Trường hợp rùa biển hoặc thú biển bị dính lưỡi câu, nếu mắc câu mô mềm, đầu móc đã xuyên lộ ra ngoài, ưu tiên cắt gãy lưỡi câu rồi rút ra.Trường hợp mắc câu mô mềm, đầu móc không lộ ra ngoài: nếu đầu móc nông, không đâm sâu, gỡ dứt khoát; nếu đầu móc đâm sâu, gần xuyên qua và lộ ra, ấn cho xuyên qua hẳn rồi cắt lưỡi câu.
Trường hợp rùa biển, thú biển mang ngư cụ dạt vào bờ: cần xử lý cứu hộ như trường hợp mắc cạn, ghi lại thông tin về ngư cụ. Nếu các cá thể rùa biển/thú biển đã mang ngư cụ dạt bờ thường sức khỏe rất yếu, cần cân nhắc đề đưa về trung tâm cứu hộ.
Được biết sau buổi học lý thuyết, các học viên đã tham gia thực hành trực tiếp và rút kinh nghiệm thực tiễn. Đồng thời một mạng lưới các KBT/VQG trên cả nước được thành lập để phối hợp và hỗ trợ nhau cũng như chia sẻ thông tin về công tác cứu hộ rùa biển, thú biển.
Bảo tồn các loài thú biển cho hệ sinh thái biển tự nhiên
Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 37/2024/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thủy sản. Theo đó đã bổ sung quy định liên quan đến hoạt động khai thác không chủ ý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm. Các cá nhân, tổ chức khi khai thác không chủ ý loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm cần có trách nhiệm ghi lại thông tin vào sổ nhật ký khai thác và đánh giá trung thực tình trạng sức khỏe của cá thể bị khai thác để có phương án xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật từ đó tránh các hậu quả pháp lý đáng tiếc.
Các phương án xử lý bao gồm:
(1) Thả về khu vực khai thác nếu cá thể thủy sản nguy cấp quý hiếm khỏe mạnh;
(2) Thông báo với cơ quan quản lý Nhà nước về thủy sản cấp tỉnh hoặc cơ sở có chức năng cứu hộ loài thủy sản để thực hiện cứu hộ hoặc
(3) Thông báo với cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh để phối hợp với chính quyền địa phương cấp huyện tổ chức xử lý phù hợp với tập quán trong trường hợp cá thể thủy sản nguy cấp, quý, hiếm bị thương đến mức không thể cứu chữa hoặc chết./.