Bố trí vùng nuôi, hướng dẫn bà con nông dân đa dạng mô hình nuôi, đối tượng nuôi, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ cấu nuôi trồng thủy sản chuyển dịch theo hướng giảm diện tích nuôi quảng canh sang hình thức nuôi thâm canh. Huyện định hướng các vùng gắn với đối tượng nuôi phù hợp cho các địa phương. Cụ thể như: Vùng nuôi ở các xã ven biển và cửa lạch, như: Hải Bình, Hải Thanh, Bình Minh, Xuân Lâm, Hải Hà, Nghi Sơn, Hải Châu được bố trí nuôi các đối tượng: Cá vược, cá mú, cá hồng mỹ, cá giò bằng hình thức nuôi lồng, bè; đối tượng con nuôi hàu Thái Bình Dương, vẹm xanh nuôi bằng hình thức nuôi giàn bè và bãi triều ven sông. Các xã vùng triều nước mặn, lợ, như: Thanh Thủy, Xuân Lâm, Nguyên Bình, Trúc Lâm, Tĩnh Hải, Tân Trường, Tùng Lâm định hướng con nuôi, gồm: Tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua, ghẹ, cá đối mục... nuôi theo hình thức thâm canh, quảng canh. Ngoài ra, một số con nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, như: Ốc hương, cua càng xanh cũng được huyện thu hút doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất.
Trên cơ sở định hướng của huyện, các địa phương đã thực hiện đa dạng hóa các đối tượng con trong quá trình nuôi thông qua hình thức thả nuôi xen ghép nhiều đối tượng nuôi trong ao, đầm, như: Tôm sú, cua, cá rô phi, cá đối mục. Thời gian qua, nhiều mô hình nuôi xen ghép đã được triển khai thực hiện trên địa bàn huyện Tĩnh Gia và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như, mô hình nuôi xen ghép tôm sú, cua xanh và cá rô phi đơn tính tại xã Xuân Lâm được triển khai thực hiện từ năm 2014, lợi nhuận đạt 30 triệu đồng/ha/vụ và mô hình đã được phát triển nhân rộng ra nhiều xã, như: Trúc Lâm, Nguyên Bình, Xuân Lâm, với tổng diện tích hơn 20 ha.
Hay như mô hình nuôi tôm kết hợp với cá đối mục theo tỉ lệ xen kẽ 1/4 (1 con cá đối mục nuôi xen với 4 con tôm) tại xã Trúc Lâm. Với mô hình này, vừa giảm được thời gian, lại vừa giảm chi phí thức ăn cho cá. Bởi, thức ăn dư thừa của tôm được cá tận dụng và ăn thêm nguồn thức ăn tinh giúp cá lớn nhanh, năng suất đạt cao, nhờ đó lợi nhuận đạt hơn 100 triệu đồng/ha/vụ.
Đánh giá về các mô hình đa dạng đối tượng con nuôi này, ông Mai Xuân Châu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tĩnh Gia, cho biết: Do đây là hình thức đa dạng đối tượng con nuôi trên cùng một diện tích, nên tận dụng được những đặc điểm sinh học của đối tượng đó để hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất. Việc kết hợp các đối tượng nuôi có đặc tính hỗ trợ lẫn nhau và hạn chế được lượng thức ăn dư thừa, giảm các nguy cơ xảy ra dịch bệnh, hạn chế sử dụng các loại thuốc, hóa chất xử lý môi trường, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nhờ việc đa dạng hóa đối tượng con nuôi trong nuôi trồng thủy sản, nên năng suất và sản lượng nuôi trồng thủy sản của huyện Tĩnh Gia ngày càng tăng. Hằng năm, với tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ của toàn huyện là 542 ha, sản lượng đạt gần 2.000 tấn sản phẩm.