Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 8/2020 ước đạt 800 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 8 tháng năm 2020 đạt 5,2 tỷ USD, giảm 5,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Mặc dù xuất khẩu thủy sản giảm, song đây là nỗ lực rất lớn của toàn ngành này. Bởi liên tục trong các tháng đầu năm nay, thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề vì tác động của dịch bệnh.
Đáng mừng hơn, kể từ tháng 8 vừa qua, xuất khẩu thủy sản qua các nước Liên minh châu Âu đã tăng trưởng khoảng 10% so với tháng 7. Điều này được cho là do kinh tế các nước EU đã dần hồi phục cùng với đó là hiệu ứng tích cực của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Nhiều doanh nghiệp thủy sản như Công ty CP thủy sản và thương mại Thuận Phước, Công ty CP Thủy sản Sông Tiền, Công ty CP Nam Việt… đều có những đơn hàng mới từ thị trường này. Bà Nguyễn Thị Ánh, giám đốc Công ty CP Thủy sản Sông Tiền phấn khởi cho biết, kể từ cuối tháng 7 tới nay, bình quân mỗi tháng công ty xuất khẩu khoảng 100 tấn thủy sản vào EU. Số lượng này dù chưa nhiều song tạo động lực cho doanh nghiệp sau thời gian bị hoãn, hủy hợp đồng.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhận xét: EVFTA đã tạo cơ hội để hàng hóa Việt Nam nói chung và thủy sản nói riêng hạ giá thành khi xuất khẩu vào thị trường EU, nâng cao khả năng cạnh tranh với các mặt hàng chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU.
Theo ông Hòe, nhiều năm nay EU là thị trường quan trọng với thủy sản. Để tận dụng lợi ích về thuế quan, các doanh nghiệp thủy sản đã chuẩn bị hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế, cập nhật thông tin hoạt động chế biến, logistics… nên sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.
Thị trường Mỹ cũng cho thấy sự hồi phục tích cực trong các tháng gần đây, đặc biệt là với mặt hàng cá tra. Theo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt, xuất khẩu cá tra vào Mỹ có triển vọng hơn, giá bán trung bình sẽ tăng dần từ nửa cuối năm 2020.
Đặc biệt, một số doanh nghiệp cá tra đứng đầu thị trường như Vĩnh Hoàn có sự tăng trưởng tốt ở thị trường này. Theo đó, tháng 7/2020 vừa qua Vĩnh Hoàn tăng trưởng về lượng và giá so với quý II/2020. Cụ thể, sản lượng xuất khẩu tăng hơn 40% và giá bán tăng hơn 6%.
Từ những khả quan hiện tại, VASEP dự báo ngành thủy sản sẽ dần hồi phục vào quý IV/2020 và nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu cả năm có thể đạt 8,26-8,3 tỷ USD. Cũng theo đánh giá của VASEP, do tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam và các nước vẫn diễn biến phức tạp nên thị trường sẽ chưa thể ổn định. Tuy nhiên, thủy sản Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh nhất định với các đối thủ như Ấn Độ, Ecuado nhờ ổn định lại sản xuất nhanh hơn sau Covid-19.
Tuy nhiên, để đạt lợi nhuận cao, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc... nên tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như các sản phẩm có thể sử dụng trực tiếp để phù hợp với những thay đổi mới của thị trường.
Theo các chuyên gia trong ngành, ngoài việc đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, việc đa dạng thị trường cũng nên được chú trọng. Đơn cử như thị trường Trung Đông có nhiều tiềm năng để ngành thủy sản khai thác.
Khu vực Trung Đông hiện có nhu cầu lớn về nhập khẩu nông sản, thực phẩm. Các nhóm hàng nhập khẩu của các nước này bao gồm: ngũ cốc, thịt và các sản phẩm từ thịt, rau củ quả các loại, thủy sản, cà phê, chè,… Đây đều là các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam. Thị trường này lại không đòi hỏi quá cao về tiêu chuẩn chất lượng, do đó cơ hội cho thủy sản nói riêng và các mặt hàng khác nói chung tại khu vực này vẫn còn rất lớn.