Cá úc chấm (Arius maculatus) là một trong những loài cá da trơn thuộc họ Ariidae, chúng thường phân bố ở các cửa sông Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Indonesia hay Philippin. Ở Việt Nam, đây là loài cá có giá trị kinh tế và có tiềm năng trở thành đối tượng nuôi mới. Nghiên cứu đặc điểm sinh sản cá úc chấm được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Tô Thị Mỹ Hoàng và Trần Đắc Định thuộc Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.
Cá úc chấm có tên khoa học là Arius maculatus thuộc họ cá úc (Ariidae), bộ cá da trơn (Siluriformes). Họ cá úc chấm giai đoạn nhỏ phân bố ở các vùng cửa sông có độ mặn thấp và cá trưởng thành phân bố phong phú ở các vịnh và cửa sông có nhiệt độ và độ mặn thuận lợi cho các hoạt động sinh sản.
Các đặc điểm sinh sản của các loài cá úc chấm như di cư sinh sản, sức sinh sản giảm và ấp trứng trong miệng cũng làm ảnh hưởng đến quần đàn. Đồng thời tình hình khai thác quá mức đã tạo ra mối đe dọa đến quần đàn cá úc. Do đó, nghiên cứu được tiến hành góp phần duy trì nguồn lợi của loài này.
Đặc điểm phân biệt giới tính
Trong mùa sinh sản của cá úc chấm có thể phân biệt cá đực và cá cái bằng cách quan sát lỗ hậu môn, vây bụng và vòm miệng. Các đặc điểm hình thái bên ngoài của cá úc chấm Arius maculatus khi thành thục sinh dục có thể mô tả như sau:
- Cá cái có lỗ sinh dục phát triển, thường có bụng to, có vây hậu môn dài hơn cá đực và răng hàm trên phát triển hơn con đực.
- Cá đực thường có kích cỡ nhỏ, thon dài hơn cá cái, vây bụng nhỏ và có khoang miệng rộng hơn cá cái (để ấp trứng). Đôi khi bắt gặp rất nhiều trứng hoặc cá con trong khoang miệng cá đực. Đây là đặc điểm chính giúp dễ phân biệt cá úc đực và cái trong mùa sinh sản.
Các giai đoạn phát triển của noãn sào
Giai đoạn I: Cá còn non, chưa tham gia sinh sản lần nào, tuyến sinh dục chưa phát triển, buồng trứng mỏng, trắng và mờ. Nhỏ, mảnh, nằm dọc hai bên xương sống, chiếm ít hơn 1/3 khoang bụng. Noãn bào rất nhỏ, không nhìn thấy được bằng mắt thường.
Giai đoạn II: Noãn bào phát triển. Có dạng hạt, màu trắng hoặc kem nhạt, chiếm khoảng 1/2 khoang bụng.
Giai đoạn III: Buồng trứng hoàn thiện. Bắt đầu có sự khác biệt giữa trứng Yolk và trứng Hyaline. Khích thước noãn sào tăng nhanh. Hơi vàng, to hơn giai đoạn II, chiếm 2/3 khoang bụng.
Giai đoạn IV: Màu vàng, to tròn, có mạch máu. Noãn bào lớn, màu vàng vàng, đường kính trứng lớn hơn giai đoạn III. Dễ dàng phân biệt giữa trứng Yolk với trứng Hyaline.
Các giai đoạn phát triển của tinh sào
Giai đoạn I: Buồng tinh khó nhận ra, mờ, mảnh, chỉ là hai sợi chỉ nhỏ nằm sát 2 bên xương sống, chiếm ít hơn 1/3 khoang bụng.
Giai đoạn II: Buồng tinh màu trắng hoặc màu hồng nhạt. Khối lượng nặng hơn giai đoạn I.
Giai đoạn III: Buồng tinh màu trắng và tương đối phát triển, buồng tinh có sự phân thùy nhưng chưa rõ ràng.
Giai đoạn IV: Buồng tinh phát triển, màu kem và có sự phân thùy rõ ràng.
Các giai đoạn của buồng tinh và buồng trứng các loài cá úc được phân biệt dựa trên thể tích của tuyến sinh dục trong khoang bụng, hình dạng tuyến sinh dục, kích cỡ tuyến sinh dục và màu sắc tuyến sinh dục.
Biến động giai đoạn thành thục sinh dục
Từ kết quả phân tích cho thấy cá úc chấm có tuyến sinh dục ở giai đoạn III và IV xuất hiện ở hầu hết các tháng. Tuy nhiên, từ tháng 3 đến tháng 10 tuyến sinh dục cá ở giai đoạn này chiếm tỷ lệ cao. Tuyến sinh dục cá đạt giai đoạn IV cao nhất là ở tháng 8 chiếm 34,29%, kế đến là tháng 3 chiếm 32,50%. Ngoài ra hệ số GSI tại tháng 3 là cao nhất với 3,42% và HSI tương đối thấp tại tháng 3 (1,39%). Sức sinh sản cá rất thấp 16±3 trứng Yolk/cá cái và 144±60 trứng Hyaline/cá cái.
Buồng trứng giai đoạn IV cá úc chấm gồm 2 loại trứng khác biệt: trứng to màu vàng (Yolk) và một loại trứng khác có kích cỡ rất nhỏ được gọi là trứng Hyaline.
Đối với loại trứng Yolk có màu vàng sáng, màu cam và màu đỏ thì thường phát triển tốt bởi do sắc tố carotin trong quá trình chuyển hóa oxy. Ngoài ra, trứng cũng khác nhau tùy theo loài, kích cỡ, vùng phân bố.
Đặc biệt là trong thời gian ngậm trứng răng hàm trên và răng hầu cá đực có lớp màng bao bọc để bảo vệ trứng cũng như cá con không bị bị tổn thương. Một số nghiên cứu trên các loài cá úc khác cũng cho thấy sự thay đổi các mảng răng và cấu trúc biểu mô ở miệng trong thời gian sinh sản là đặc điểm để phân biệt giới tính.
Những lợi ích của việc ấp trứng trong miệng là giảm thiểu những tổn thương của trứng và ấu trùng từ các yếu tố sinh lý từ môi trường bên ngoài (nhiệt độ nước và oxy) và cũng hạn chế tử vong do cá khác ăn thịt.
Kết quả từ nghiên cứu góp phần ứng dụng vào sản xuất giống để đưa vào nuôi nhân tạo, đáp ứng nhu cầu thực phẩm và giảm bớt khai thác tự nhiên. Ngoài ra, nhằm bảo vệ nguồn lợi cá úc chấm vùng cửa sông cần hạn chế khai thác cá tại thời điểm tháng 3 và tháng 8 để đảm bảo sinh sản cho loài này ngoài tự nhiên.
Theo Tô Thị Mỹ Hoàng và Trần Đắc Định - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.