Trùn chỉ có màu đỏ sậm, nhỏ bằng sợi chỉ may đồ, nên phải dùng lưới cước thật dày mới đãi được nhiều. Trùn chỉ thích sống dưới lớp bùn dơ. Nước càng dơ, trùn chỉ xuất hiện càng nhiều.
Gặp chỗ nước sâu, mọi người phải lặn xuống đáy, xúc từng vợt bùn để đãi tìm trùn chỉ. Có khi nguồn nước dưới kênh ô nhiễm nặng, anh em bị ngứa ngáy, nổi mẩn đỏ khắp người. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, mọi người cố gắng làm để nuôi vợ con.
Một kg trùn chỉ bán với giá từ 25.000 - 30.000 đồng. Dứt vụ, mỗi người kiếm được từ 10 - 15 triệu đồng.
Mấy năm gần đây, nhu cầu nuôi cá kiểng, cá chình, cá nàng hai… nở rộ kéo theo phong trào đãi trùn chỉ phát triển.
Bất chấp nguồn nước ô nhiễm ở các dòng kênh, dân địa phương vẫn ráo riết tìm trùn chỉ. Khi cạn nguồn, nhiều người còn chạy sang các huyện khác, dựng lều trại ở lại để tìm trùn.
Dù không ít độc hại, nhưng đây vẫn được xem là nghề kiếm sống chính của không ít hộ nghèo tại An Giang.