Địa phương điển hình nhiều tàu cá mất kết nối
Tỉnh Kiên Giang có số lượng tàu cá nhiều nhất nước ta với 8.208 chiếc đã đăng ký. Trong đó, có chiều dài trên 15m là 3.630 tàu và đã lắp đặt thiết bị VMS đạt tỷ lệ khá cao với 3.607 tàu, chiếm gần 99,4%. Tuy nhiên, rất nhiều tàu lắp đặt thiết bị VMS lại để mất kết nối khi hoạt động trên biển.
Năm 2023, có 2.172 lượt tàu khi hoạt động trên biển để mất kết nối. Cơ quan chức năng gọi 37.339 cuộc điện thoại thì có 1.201 lượt tàu bật lại thiết bị VMS kết nối với hệ thống giám sát, còn 971 lượt tàu vẫn để mất kết nối.
Trong 5 tháng đầu năm 2024, phát hiện 112 tàu mất kết nối trên biển hơn 10 ngày. Lực lượng chức năng mời các tàu này làm việc nhưng chỉ có 68 chủ tàu hoặc thuyền trưởng đến làm việc, còn 44 chủ tàu (gần 40%) chưa đến làm việc. Qua làm việc, đã lập biên bản vi phạm hành chính với 23 tàu và Thanh tra Sở NN&PTNT ban hành quyết định xử phạt 20 chủ tàu gần 1 tỷ đồng, còn 3 tàu đang xem xét. Bên cạnh, tiếp tục làm việc với 33 chủ tàu để xử lý. Ngoài ra, còn có 565 tàu mất kết nối trên biển hơn 48 giờ nhưng dưới 10 ngày, đang làm rõ nguyên nhân để xử lý theo quy định.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lê Hữu Toàn cho biết, công tác xử lý tàu cá để mất kết nối khi hoạt động trên biển gặp nhiều khó khăn, do các chủ tàu thiếu hợp tác.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Minh Thành yêu cầu, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp các lực lượng và địa phương hoàn thiện hồ sơ xử lý dứt điểm các tàu cá để mất kết nối thiết bị VMS khi hoạt động trên biển và vi phạm khai thác IUU.
Bảo đảm kết nối 100% tàu cá trên biển
Thông tin tại buổi làm việc triển khai thực hiện kế hoạch chống khai thác IUU vào sáng 6/6/2024 do Bộ NN&PTNT tổ chức, số tàu cá đã lắp đặt thiết bị VMS cả nước mới đạt hơn 98%, và ở nhiều địa phương tàu đã lắp đặt lại để mất kết nối khi hoạt động trên biển. Nhà cung cấp thiết bị VMS khẳng định chỉ 0,2% do lỗi thiết bị, còn lại do lỗi chủ tàu.
Đảm bảo các tàu cá luôn giữ được kết nối khi ra khơi
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì buổi làm việc, yêu cầu Cục Thủy sản cùng Cục Kiểm ngư khẩn trương làm việc để hoàn tất 100% tàu cá lắp đặt thiết bị VMS và duy trì kết nối khi hoạt động trên biển. Công việc phải hoàn tất trước tháng 9/2024, chuẩn bị cho việc đón đoàn công tác EC lần thứ 5 dự kiến vào tháng 9/2024.
Bên cạnh, việc sơn đánh dấu tàu cá theo quy định, đến đầu tháng 6/2024 mới đạt 96%, còn 4% là số lượng không nhỏ. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng yêu cầu Cục Thủy sản và Cục Kiểm ngư làm việc để hoàn tất 100% tàu cá được sơn theo quy định.
Việc triển khai đồng bộ hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, trên hệ thống điện tử (eCDT) cũng phải hoàn tất trước tháng 9/2024. Theo lãnh đạo Cục Thủy sản, từ tháng 1/2024 đã có văn bản hướng dẫn và tổ chức tập huấn cho cán bộ các địa phương triển khai phần mềm toàn hệ thống từ cảng cá, ngư dân, chi cục thủy sản đến nhà máy mua nguyên liệu chế biến. Đầu tháng 6/2024, nhiều cảng cá đã tổ chức triển khai xuất nhập bến cho tàu cá thành thạo trên phần mềm, thực hiện cấp giấy biên nhận bốc dỡ thủy sản qua cảng, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác cho các doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, Cục Thủy sản sẽ tổng hợp, theo dõi, công bố danh sách tàu cá mất kết nối thiết bị VMS, những tàu có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, tàu cá “3 không” theo cơ chế thường xuyên. Yêu cầu các địa phương theo dõi, báo cáo hàng ngày về kết quả xử lý tất cả các trường hợp vi phạm quy định ngắt kết nối VMS, vượt ranh giới cho phép trên biển. Từ đó, nắm bắt 100% tàu cá ngắt kết nối thiết bị VMS, vượt ranh giới để củng cố hồ sơ, xử lý nghiêm.
“Các tàu cá phải được cập nhật hồ sơ, vị trí thường xuyên. Những tàu mất kết nối thiết bị VMS và nghi ngờ vi phạm vùng biển nước ngoài phải được cập nhật vị trí, địa chỉ hàng tuần để kịp thời xử lý”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận.