Đến nay toàn tỉnh Nam Định có 137 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và cung ứng giống thủy sản; trong đó có 22 cơ sở sản xuất giống nước ngọt, 115 cơ sở sản xuất giống mặn lợ. Trong năm 2018, các cơ sở đã sản xuất được 9.995 triệu con giống các loại, tăng 7,1% so với năm 2017; trong đó, giống nước ngọt là 880 triệu con, giống mặn lợ là 9.115 triệu con. Ngoài phát triển sản xuất giống các loại cá truyền thống, một số loại con nuôi có hiệu quả kinh tế cao như lươn, cá chạch đồng, ếch Thái Lan cũng đang được các cơ sở đưa vào sản xuất. Các loại giống mặn lợ chủ lực là ngao, hàu, tôm sú, cua biển, cá bống bớp... được phát triển mạnh tại các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng.
Ngay từ đầu năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện chỉ đạo triển khai thực hiện kế hoạch sản xuất và cung ứng giống kịp thời đảm bảo chất lượng, thời vụ. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống trên địa bàn toàn tỉnh rà soát nhu cầu, xây dựng kế hoạch sản xuất cung ứng, tập trung chăm sóc, nuôi vỗ đàn cá và tôm sú bố, mẹ để bước vào sản xuất; nhập giống tôm thẻ chân trắng về ương nuôi và tiến hành sản xuất các loại giống cá hồng mỹ, cá bống bớp, hàu cung cấp cho người nuôi.
Mỗi năm các vùng nuôi thủy sản của huyện Hải Hậu cần số lượng lớn giống các loại như: tôm thẻ chân trắng trên 300 triệu con, tôm sú trên 25 triệu con, cua biển 5 triệu con, cá lóc bông 70 vạn con, cá diêu hồng 80 vạn con, ếch Thái Lan 50 vạn con… Để đảm bảo số lượng con giống phục vụ nhu cầu trên 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống thủy sản của huyện đang tích cực triển khai kế hoạch sản xuất con giống vụ này. Ngoài 8 cơ sở chuyên sản xuất ngao, hàu giống ở các xã, thị trấn: Hải Phúc, Hải Đông, Hải Lý, Hải Triều, Thịnh Long... 3 cơ sở ương giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng với sản lượng từ 100-120 triệu con giống/năm ở xã Hải Chính.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tính đến hết tháng 3-2019, các doanh nghiệp, cơ sở trong toàn tỉnh đã sản xuất được khoảng 15 triệu con giống, trong đó 9 triệu con giống mặn - lợ; 6 triệu con giống nước ngọt phục vụ cho vụ nuôi mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được công tác sản xuất giống thủy sản của tỉnh ta vẫn còn một số khó khăn: đối tượng nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao, nhu cầu lớn là tôm thẻ chân trắng chưa chủ động sản xuất giống tại chỗ; toàn bộ tôm giống phải nhập từ các nơi khác về ương nuôi, thuần hóa nên hay bị thiếu giống cục bộ khi các hộ nuôi đồng loạt thả cho kịp thời vụ... Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong khâu sản xuất giống thủy sản trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng triển khai các chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở giống nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tiếp nhận công nghệ mới để sản xuất đáp ứng nhu cầu nuôi thả, đặc biệt là các giống nuôi chủ lực; chỉ đạo các đơn vị: Chi cục Thủy sản; Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản phối hợp cùng các địa phương rà soát nhu cầu giống thủy sản các loại để có kế hoạch sản xuất và quản lý chặt chẽ việc nhập giống. Kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo con giống từ nguồn cung ngoại tỉnh có chất lượng tốt và nguồn gốc rõ ràng. Hướng dẫn người nuôi kỹ thuật chăm sóc con nuôi ngay sau khi thả giống, phấn đấu nuôi thủy sản đạt hiệu quả kinh tế cao trong năm 2019.