Buộc các doanh nghiệp xuất khẩu nước ngoài phải chi trả một lượng tiền không nhỏ cho các nhà sản xuất tôm hoặc cá nheo trong các vụ "dàn xếp" mức thuế chống bán phá giá - điều đó có thể xem như một chiến lược kinh doanh hiệu quả, mà cũng có thể coi là một cách “moi tiền” hợp pháp của ngành thủy sản Mỹ.
Bất kể nhìn từ góc độ nào, việc biến các “thỏa thuận” này cũng có giá trị pháp lý giống các phán quyết của tòa án đã làm sản sinh một nghề chuyên sống dựa vào các vụ kiện chống bán phá giá – vốn không chỉ xảy ra trong ngành thủy sản mà còn ở rất nhiều ngành khác, từ đồ nội thất đến cà chua,...
Các “thỏa thuận” có thể bao gồm quyết định đình chỉ điều tra chống bán phá giá hoặc tạm ngừng áp thuế chống bán phá giá nếu các nhà xuất khẩu nước ngoài sẵn sàng bỏ ra chi phí để được miễn xem xét hành chính bán phá giá hằng năm.
Có thể thấy điều đó qua quyết định về mức thuế chống bán phá giá mà Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố áp dụng đối với sản phẩm cá tra phi-lê đông lạnh nhập khẩu trong đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR 8), giai đoạn từ 8/2010 – 7/2011.
Theo kết quả cuối cùng của POR 8, mức thuế chống bán phá giá đối với hầu hết các nhà xuất khẩu Việt Nam là 0,77 USD/kg (0,59 EUR/kg), tăng 2.500% so với mức 0,03 USD/kg (0,02 EUR) trong POR 7 (từ 8/2009 – 7/2010).
Mức thuế suất cuối cùng này cũng tăng cao đột ngột so với kết quả sơ bộ của POR 8 đưa ra hồi tháng 9/2012. Trong quyết định sơ bộ, 18 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam được hưởng mức thuế chống bán phá giá 0% khi DOC chọn Bănglađét làm quốc gia thay thế. Tuy nhiên, trong lần rà soát cuối cùng của POR 8, phía Mỹ đã thay nước thay thế Bănglađét bằng Inđônêxia, khiến mức thuế chống bán phá giá tăng đáng kể. Nguyên nhân là do chi phí sản xuất của Inđônêxia cao hơn rất nhiều so với Việt Nam.
Đã có ít nhất một nhà sản xuất cá tra Việt Nam thực hiện dàn xếp mức thuế chống bán phá giá trước khi mức thuế cuối cùng được công bố, nhờ đó giữ nguyên được mức thuế suất như trong POR 7. Tuy nhiên, chi phí này không hề nhỏ. Công ty đó đã phải trả khoảng 2 triệu USD (1,6 triệu EUR) cho Hiệp hội Cá nheo Mỹ (CFA) trong lần thỏa thuận này.
Quyết định trên của doanh nghiệp này có tính may rủi như một canh bạc, bởi lẽ nếu không có thỏa thuận với CFA, mức thuế chống bán phá giá sẽ có thể cao hơn, nhưng cũng có thể không thay đổi.
Tổng mức thuế tăng thêm trong POR 8 là xấp xỉ 50 triệu USD (38 triệu EUR). Điều đó có nghĩa là một số nhà sản xuất cá tra lớn sẽ phải mất hàng chục triệu USD tiền thuế.
Ngoài việc bù đắp chi phí pháp lý liên quan đến vụ kiện và các đàm phán thỏa thuận khác, mục đích sử dụng số tiền trên không được CFA giải thích rõ ràng.
Họ có thể lý luận rằng đó là quyền bảo mật vì đây là thỏa thuận giữa các bên, không cần đảm bảo tính “minh bạch” như các phán quyết của tòa án.
Nói đến các “thỏa thuận” kiểu này thì ngành tôm Mỹ chính là tổ chức đã tạo ra tiền lệ trong lĩnh vực thủy sản. Nó đã kiếm được 18 triệu USD (13,4 triệu EUR) từ các vụ dàn xếp kiện chống bán giá do Liên minh Tôm miền Nam (SSA) khởi xướng, chưa kể đến hàng trăm triệu USD từ tiền thuế thu về theo quy định của Tu chính án Byrd và tiền hỗ trợ của Chính phủ.
Ngành tôm Mỹ cũng đang sẵn sàng dang tay “hợp tác” với 7 quốc gia xuất khẩu tôm lớn nhất (Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Inđônêxia, Malaixia, Thái Lan và Êcuađo) – chiếm trên 85% tôm nhập khẩu của Mỹ - theo con đường “thỏa thuận” trong vụ kiện chống trợ cấp vừa nổ ra.
Nhưng thử hỏi có bao nhiêu trong số tiền mà ngành tôm Mỹ nhận được trong những năm qua đã được đầu tư để nâng cấp trang thiết bị và hiện đại hóa đội tàu khai thác tôm và ngành chế biến tôm vùng Vịnh?
Từ thực tế vụ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp mới đây, có thể thấy nhu cầu “làm tiền” của ngành thủy sản Mỹ là vô tận, bởi lẽ nó hoàn toàn không xuất phát từ mục đích nâng cao năng lực cạnh tranh và đầu tư cho tương lai. Đơn giản chỉ là do thiếu khả năng giải quyết các vấn đề nội tại, họ làm khó - đổ lỗi – để tìm cách “moi tiền” của các nhà xuất khẩu nước ngoài.
Những bất trắc trong quá trình rà soát thuế hằng năm khiến chiêu bài “dàn xếp” trở nên có ý nghĩa, kể cả khi việc này tiêu tốn một phần doanh thu không nhỏ của các nhà xuất khẩu. Vì đổi lại, họ có thể yên tâm rằng công việc kinh doanh sẽ không bị các nhà sản xuất nội địa gây rắc rối thêm nữa.
Thuế chống bán phá giá và lợi ích từ các vụ dàn xếp liên quan không hề giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành tôm và cá nheo Mỹ. Nhưng những người cầm đầu ngành sản xuất nội địa của nước này vẫn luôn sẵn sàng thực hiện các chiêu trò ấy, với hy vọng giữ được “miếng bánh” thị phần của mình.