Mới đây, cử tri xã Mã Đà, huyện Vĩnh Cửu tiếp tục đề nghị UBND huyện Vĩnh Cửu và các ngành chức năng cấm các ghe te đánh bắt kiểu tận diệt thủy sản trên hồ Trị An. Trước đây, Đồng Nai đã cấm loại hình đánh bắt này nhưng bị Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp “tuýt còi” vì cho là không có cơ sở pháp lý.
Hiện Đồng Nai đang tiếp tục “đấu” để cấm kiểu đánh bắt tận diệt này.
Ngư dân đang điêu đứng
Theo ghi nhận của chúng tôi, việc đánh bắt thủy sản bằng ghe te đang cày nát lòng hồ nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai này.
Chỉ đợi trời tối là hàng trăm chiếc ghe te từ khắp các hướng xung quanh hồ Trị An ùn ùn ra hồ đánh bắt cho đến sáng hôm sau. Ghe te đi đến đâu là lưới, câu, lợp… của ngư dân bị hư hỏng đến đó. “Các ghe te cắt cử người canh gác. Lực lượng kiểm lâm khu bảo tồn xuống tàu đi tuần tra là hệ thống “ăng ten” của họ báo cho nhau để đối phó, thậm chí chống đối lực lượng chức năng nếu cản trở…” - ông Lê Văn Th., một ngư dân ngụ xã La Ngà, huyện Định Quán, nói.
Ngư dân Nguyễn Văn H. cho biết từ năm 2010 nguồn thủy sản trên hồ Trị An giảm đáng kể do ghe te ngày càng nhiều. “Họ sử dụng lưới có kích thước nhỏ để bắt từ cá lớn đến cá bé. Các chủ ghe lén gắn điện đánh bắt. Mỗi đêm có hàng trăm ghe hành nghề trên hồ, tôm, cá nào sống sót cho nổi!” - ông H. nói.
“Mới đây, tôi đang thả lợp ở khu vực phía trước Đồi Cá. Gia đình đã bật đèn báo hiệu khu vực đang thả lợp nhưng ba chiếc ghe te vẫn ngang nghiên chạy đến khiến ngư cụ của tôi hư hỏng hết. Tôi la lớn nhưng họ phớt lờ, còn hăm dọa tôi” - anh Nguyễn Văn C., ngư dân xã Mã Đà, kể lại.
Theo anh C., chỉ riêng ở khu vực Đồi Cá, mỗi năm một hộ thiệt hại 20-30 triệu đồng do các ghe te phá lưới, lợp… Có người hết vốn mua ngư cụ đành bỏ xứ đi làm thuê.
Cấm rồi buông
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, cho hay việc quản lý, bảo tồn và tổ chức khai thác bền vững tài nguyên thủy sản hồ Trị An đang gặp một số khó khăn. Bởi có hơn 1.150 hộ đăng ký khai thác thủy sản trên hồ Trị An thì hơn 130 người đánh bắt bằng ghe te. Các ghe te ngoài việc tận diệt thủy sản còn là nỗi kinh hãi cho hơn 1.000 hộ ngư dân vì làm hỏng ngư cụ của họ.
“Ghe te thường ủi dưới nước ở độ sâu 2-6 m. Với độ sâu này, vào mùa nước cạn gần như sát đáy hồ nên tất cả loại cá bị bắt, ảnh hưởng đến việc bảo tồn đa dạng sinh học. Hồ Trị An là hợp phần bảo tồn đất ngập nước nội địa thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, một trong ba vùng lõi của khu dự trữ sinh quyển thế giới” - ông Hảo nói.
Chưa hết, theo ông Hảo, các ngư dân trên còn lén sử dụng điện để khai thác thủy sản. Vì việc này mà hàng trăm ngư dân huyện Định Quán và Vĩnh Cửu đề nghị cấm nghề ghe te trên hồ.
“Từ thực tiễn trên, lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai đã đề xuất với tỉnh Đồng Nai cấm ghe te hoạt động trên hồ và tỉnh Đồng Nai có quyết định cấm đánh bắt thủy sản đối với sáu ngư cụ, trong đó có ngư cụ te các loại” - ông Hảo nói.
Bị cấm, các chủ ghe te khiếu nại nhiều nơi. Tháng 7-2016, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp kết luận: Quyết định của tỉnh Đồng Nai về cấm ngư cụ te là không có cơ sở pháp lý.
Từ văn bản trên, cuối năm 2016 Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền và người dân địa phương tổ chức đối thoại với ngư dân. Sau đó thống nhất kiến nghị tỉnh Đồng cho phép Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai ký hợp đồng tạm thời bằng nghề te với thời hạn sáu tháng một lần với các hộ dân.
Và chuyện khai thác thủy sản mang tính hủy diệt vẫn đang diễn ra trên hồ chưa có hồi kết.
Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai vừa phối hợp với các đơn vị liên quan và các nhà khoa học tổ chức hội thảo khoa học, đánh giá tác động của việc khai thác thủy sản bằng ghe te trên hồ Trị An đối với việc bảo tồn đa dạng sinh học Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Phải cần thêm thời gian để có kết luận. Trên cơ sở này, Sở sẽ có tham mưu với tỉnh các biện pháp xử lý với nghề te.
Một lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai cho biết